Đề tài được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Bùi Trọng Ngoãn, Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN và TS. Nguyễn Thị Như Ý, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHĐN. Đây là luận án tiến sĩ thứ hai ngành Ngôn ngữ học được đánh giá tại Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/04/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hội đồng đánh giá luận án gồm 7 thành viên là các nhà nghiên cứu độc lập thuộc ngành ngôn ngữ học và các giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các cơ sở đào tạo đại học trong nước: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế; Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Chủ tịch Hội đồng là GS.TS Mai Ngọc Chừ.
Nghiên cứu hành động ngôn ngữ là một nội dung quan trọng của ngữ dụng học, đã và đang được nhiều nhà ngôn ngữ học thế giới và Việt Nam quan tâm. Mặc dù đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về các loại hành động ngôn ngữ, kể cả hành động phàn nàn trong tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác, tuy nhiên, đề tài nghiên cứu của NCS Dương Quỳnh Nga là đề tài đi sâu nghiên cứu về hành động phàn nàn trong tiếng Việt và tiếng Nhật - là vấn đề chưa có công trình nào đi sâu trước đây. Luận án trình bày khá chi tiết và bước đầu có những phát hiện mới về hành động ngôn ngữ phàn nàn trong tiếng Việt và tiếng Nhật thông qua các dấu hiệu ngôn hành và chiến lược giao tiếp khi thực hiện hành động phàn nàn trong hai ngôn ngữ. Đồng thời luận án cũng làm sáng tỏ những điểm tương đồng và khác biệt giữa hành động phàn nàn trong tiếng Việt và tiếng Nhật, từ đó bước đầu chỉ ra sự tương đồng và khác biệt về mặt văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản. Từ kết quả nghiên cứu, luận án đã đưa ra một số đề xuất chi tiết, gợi hướng nghiên cứu tiếp theo và gợi ý cách ứng dụng kết quả của đề tài vào thực tế giảng dạy, học tập, nghiên cứu và biên - phiên dịch. Ngoài ra, luận án còn gợi các hướng đi thú vị, hứa hẹn sẽ được nghiên cứu ở một tương lai gần, mở ra nhiều cơ hội khám phá mới trong lĩnh vực ngữ dụng học và nghiên cứu ngôn ngữ.
Xét về mặt khoa học, kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lí luận liên quan đến hành động ngôn ngữ nói riêng và ngữ dụng học nói chung, góp phần cụ thể hoá và mở rộng một số vấn đề lí thuyết về hành động phàn nàn trong ngữ dụng học. Xét về mặt thực tiễn, nghiên cứu hành động phàn nàn trong tiếng Việt và tiếng Nhật góp phần tích cực vào việc tìm ra sự giống nhau và khác nhau về hành động này trong hai ngôn ngữ, giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Việt cho người Nhật và tiếng Nhật cho người Việt. Do vậy, luận án là một tài liệu tham khảo hữu ích cho những người nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt cho người Nhật và tiếng Nhật cho người Việt.
Luận án tiến sĩ “Hành động phàn nàn trong tiếng Việt và tiếng Nhật” của NCS Dương Quỳnh Nga đã được Hội đồng đánh giá thống nhất thông qua với 7/7 phiếu. Các thành viên Hội đồng đánh giá đã đưa ra nhiều ý kiến nhận xét, góp ý sát thực và đề nghị Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐ xem xét cấp bằng tiến sĩ cho NCS. Luận án sẽ được NCS Dương Quỳnh Nga tiếp tục hoàn thiện và nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN.
Một số hình ảnh tại Lễ bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp trường của NCS Dương Quỳnh Nga:
Tin từ Phòng Đào tạo. Ảnh: Bích Thủy