NCS Hoàng Phan Thanh Nga bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường ngành Ngôn ngữ học
Thứ ba - 02/01/2024 11:33
Ngày 30/12, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức Lễ bảo vệ Luận án tiến sĩ khoa học cấp Trường cho nghiên cứu sinh (NCS) Hoàng Phan Thanh Nga, ngành Ngôn ngữ học, mã số 9229020 với đề tài: “Nghiên cứu phạm trù “ăn” trong thành ngữ tiếng Việt từ góc nhìn ngôn ngữ học tri nhận, có liên hệ với phạm trù “meokda” trong tiếng Hàn”.
Đề tài được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TSPhan Văn Hoà, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng và TS. Lưu Tuấn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.Đây cũng là luận ántiến sĩ ngành Ngôn ngữ họccuối cùng được đánh giá tại Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN theo Quy định tại Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT.
Hội đồng đánh giá luận án gồm 07 thành viên đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng và các nhà nghiên cứu độc lập thuộc ngành ngôn ngữ học. Chủ tịch Hội đồng đánh giá là GS.TS. Mai Ngọc Chừ. Sau khi thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Hoàng Phan Thanh Nga, các thành viên trong Hội đồng đánh giá đều đánh giá cao năng lực nghiên cứu và những kết quả đạt được của NCS trong thời gian qua.
Đề tài nghiên cứu của NCS Hoàng Phan Thanh Nga với mục đích làm sáng tỏ những đặc điểm về sự chuyển di ý niệm, ẩn dụ tri nhận, hoán dụ tri nhận và các mô hình tri nhận lí tưởng hóa của phạm trù “ăn” trong thành ngữ tiếng Việt có liên hệ với phạm trù “meokda” trong thành ngữ tiếng Hàn. Đồng thời, luận án cung cấp sự hiểu biết về cơ sở hình thành các ẩn dụ ý niệm, hoán dụ ý niệm và các mô hình của ẩn dụ tri nhận, hoán dụ tri nhận của phạm trù “ăn” trong tiếng Việt, có liên hệ với phạm trù “meokda” trong tiếng Hàn. Từ đó, giúp làm sáng tỏ hơn những phương diện về tư duy và văn hóa của người Việt Nam và một số nét tương đồng, khác biệt so với tư duy và văn hóa của người Hàn Quốc.
Luận án đã xây dựng được sơ đồ tỏa tia của phạm trù “ăn” khảo sát trong phạm vi thành ngữ tiếng Việt chứa thành tố “ăn”, trong đó nổi bật với các mô hình ý niệm: [Ăn đại diện cho cuộc sống], [Ăn đại diện cho hành vi], [Tính cách là ăn]. Ở mỗi mô hình ý niệm, luận án làm sáng tỏ các biểu thức ẩn dụ và biểu thức hoán dụ. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ làm phong phú thêm kho tàng nghiên cứu ngôn ngữ của Việt Nam nói chung và của ngôn ngữ so sánh đối chiếu Việt – Hàn nói riêng. Đồng thời, thông qua kết quả nghiên cứu trên, luận án còn khẳng định thêm vai trò của ngôn ngữ học tri nhận trong việc nghiên cứu ngôn ngữ. Sau phần trình bày tóm tắt luận án của NCS, các thành viên Hội đồng đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá và góp ý mang tính khoa học cả về hình thức trình bày lẫn nội dung nghiên cứu của đề tài.
Các thành viên hội đồng đánh giá về luận án.
Kết thúc buổi bảo vệ cấp trường, luận án tiến sĩ của NCSHoàng Phan Thanh Nga đã được Hội đồng thống nhất thông qua với 7/7 phiếu. NCS sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý từ các thành viên Hội đồng để hoàn chỉnh luận án trước khi nộp lưu chiểu ở Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN.