Sự hợp tác với mô hình Điểm du lịch học tập cộng đồng giữa Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng và BQL KSQ CLC-HA với mục tiêu thông qua mô hình tham quan du lịch học tập cộng đồng để phát triển kĩ năng và kiến thức cho sinh viên đồng thời tạo nên sinh kế bền vững cho cộng đồng nằm trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại TP.Hội An” do Quỹ môi trường toàn cầu Chương trình tài trợ nhỏ (GEF/SGP) tài trợ.
Toàn cảnh chương trình
Tại hội nghị, Ông Nguyễn Nam Sơn - Đại diện Vụ Phát triển rừng - Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Hội An cần xây dựng đề án nhân rộng mô hình du lịch học tập để lan tỏa và nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương hơn nữa. Đồng thời cần thành lập tổ chức đầu mối điều phối khách du lịch khi đề án kết thúc.
Mô hình Điểm du lịch học tập cộng đồng xã Cẩm Thanh với sự tham gia của 4 nhóm: cộng đồng vườn rau hữu cơ Thanh Đông, cộng đồng vườn rau hữu cơ Đồng Giá, cộng đồng ngư dân rừng dừa Thanh Tam và cộng đồng không rác thải Thanh Đông. Đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo cơ hội để cộng đồng địa phương nâng cao năng lực và phát triển loại hình dịch vụ du lịch mới; đồng thời là môi trường tốt hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng giảng dạy thực tế cho sinh viên.
TS. Bùi Bích Hạnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, TS. Bùi Bích Hạnh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Sinh viên ngày nay không chỉ học tập và sinh hoạt trong không gian văn hoá của Nhà trường, mà còn được học tập và trải nghiệm trong những giảng đường của tự nhiên. Ở những không gian đó, chúng tôi có những người đồng nghiệp mới, là người nông dân với những trang giáo án mở…
Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng luôn chú trọng tới việc rà soát, cải tiến chương trình đào tạo và với tư duy học tập cộng đồng thì nhiều học phần liên quan đến trải nghiệm, trải nghiệm sáng tạo đã được tăng cường trong chương trình đào tạo của Nhà trường.Đồng thời, Nhà trường luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để giảng viên và sinh viên bắt nhịp, thâm nhập sâu vào mô hình học tập cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao kĩ năng thực hành cho sinh viên, tạo cho các em tình yêu thiên nhiên, biết đối đãi tích cực với môi trường và hình thành những vi ứng xử có văn hoá với tự nhiên.”
TS. Bùi Bích Hạnh tin tưởng “Biên bản kí kế MOU giữa trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng và Ban Quản lý Khu sinh quyển Cù Lao Chàm, tiếp nối dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng” ngày hôm nay, với sự tự nguyện ràng buộc sẽ có trách nhiệm với nhau và càng có trách nhiệm tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng; cùng hướng đến con người, phục vụ cộng đồng, tạo nên một môi trường giáo dục hạnh phúc.”
Ký kết hợp tác ghi nhớ về du lịch học tập cộng đồng giữa Ban Quản lý Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An với Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng
Trên nền tảng thuận lợi sẵn có về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giảng viên, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng và Ban Quản lý Khu sinh quyển Cù Lao Chàm đã đi đến thống nhất cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng nhằm khơi dậy phát huy tiềm năng sáng tạo, năng lực của sinh viên... Lãnh đạo hai bên cùng hướng về những mục tiêu chung để khẳng định trách nhiệm với xã hội.
Tại hội thảo, đại diện Nhà trường đã cùng các nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng cư dân trao đổi nhiều ý kiến chuyên môn, chia sẻ những kết quả đạt được, góp ý một số nội dung để hoàn thiện, tạo cơ sở nhân rộng mô hình như: cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, lợi ích kinh tế, tạo thêm sản phẩm mới, nâng cao năng lực giao tiếp, ứng xử giữa cộng đồng cư dân với học sinh, sinh viên, phát huy các giá trị văn hóa bản địa…
Vũ Hoàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn