Lưu học sinh Chương trình Tiếng Việt thích thú khi thực tế ngôn ngữ và văn hoá địa phương
Thứ năm - 29/06/2023 23:57
Ngày 22.6, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐHSP –ĐHĐN) tổ chức cho các lưu học sinh (LHS) đang học Chương trình Tiếng Việt tại Trường tham gia thực tế ngôn ngữ và văn hoá tại một số di tích lịch sử, văn hoá của Đà Nẵng, Quảng Nam. Hoạt động đã để lại những dấu ấn rất thú vị và ý nghĩa với các LHS đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Thực tế ngôn ngữ và văn hoá địa phương là hoạt động nằm trong kế hoạch chương trình đào tạo Tiếng Việt cho người nước ngoài của Trường ĐHSP – ĐHĐN, nhằm trau dồi kỹ năng sử dụng Tiếng Việt, giúp các LHS hiểu thêm về văn hoá, đất nước, con người Việt Nam. Hoạt động lần này dành cho các LHS đến từ nhiều quốc gia khác nhau như: Bỉ, Nhật Bản, Nigeria, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Nga, Belarus…
Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, đoàn LHS đã đến tham quan, trải nghiệm tại quần thể di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), làng nghề gốm truyền thống Thanh Hà và Di sản văn hoá thế giới Thánh Địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam). Tại mỗi điểm đến, các LHS đều rất hào hứng và thích thú khi được tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của các địa phương. Đặc biệt, nhiều LHS đã không giấu được sự ngạc nhiên xen lẫn phấn khích khi được trực tiếp ngắm nhìn và nghe thuyết minh bằng tiếng Việt về lịch sử hình thành, giá trị văn hoá của quần thể di tích Ngũ Hành Sơn và Di sản văn hoá Thế giới Thánh Địa Mỹ Sơn.
Cui Chengwu, LHS đến từ Trung Quốc chia sẻ: “Tôi đã tìm hiểu và được các giảng viên trong lớp Tiếng Việt giới thiệu rất nhiều về các di tích, thắng cảnh này nhưng khi được trực tiếp đặt chân đến để ngắm nhìn và trải nghiệm thật sự rất thích. Đặc biệt, khi nói chuyện với người dân địa phương bằng Tiếng Việt, giúp chúng tôi hiểu hơn về văn hoá Việt Nam”. Không chỉ tham quan và được các hướng dẫn viên, giảng viên giới thiệu về các quần thể, di tích lịch sử, văn hoá, các LHS còn được trực tiếp trải nghiệm một số công đoạn để làm ra một sản phẩm gốm tại làng nghề gốm truyền thống Thanh Hà. Chuyến đi cũng tạo cơ hội cho các bạn được trải nghiệm một số nét đặc sắc của văn hoá Việt Nam như thưởng thức chương trình nghệ thuật Chăm, ngắm đền tháp và nghe giới thiệu về văn hoá Chăm…
Tại những nơi đến thăm, các LHS đều thực hành ngôn ngữ thông qua giao tiếp Tiếng Việt với bạn bè, người dân địa phương, thầy cô, các hướng dẫn viên…, giúp các bạn hiểu hơn về cách nói chuyện của người Việt Nam. Ban tổ chức cũng sắp xếp để đoàn được thưởng thức một số món ăn ngon, truyền thống của địa phương như: mỳ Quảng, cao lầu… Khi được hỏi về cảm nhận của chuyến đi này, LHS quốc tịch Hàn Quốc: Lee Seungjae, cho biết: “Chuyến đi giúp tôi có nhiều cơ hội nói chuyện với nhiều người Việt Nam. Qua đó, hiểu hơn về văn hoá, phong tục và cách nói chuyện của người Việt. Đây cũng là dịp để tôi được biết thêm về văn hoá và các di tích đẹp của Việt Nam làm tôi thêm yêu đất nước này hơn”.
Ths. Phạm Thị Thu Hương – Giảng viên đồng hành cùng các LHS trong chuyến thực tế lần này chia sẻ: Các LHS đều rất hào hứng và thích thú với chuyến đi. Các bạn chăm chú nghe hướng dẫn viên giới thiệu bằng tiếng Việt, chủ động tham gia trải nghiệm làm sản phẩm gốm, tự gọi món và tỏ ra yêu thích các món mì quảng, cao lầu trong bữa trưa.… Nhiều bạn còn chủ động đặt câu hỏi cho hướng dẫn viên và giảng viên. Tôi tin với những chuyến thực tế thú vị và hữu ích thế này, các bạn LHS sẽ càng cảm thấy gắn bó hơn với mảnh đất và con người Việt Nam hiền hoà, thân thiện; cũng như sẽ càng thêm yêu Tiếng Việt”.