Từ truyện ngắn được đăng báo của chàng trai lớp 10…
Để nói về quãng đời đi học của mình, Long Phi tóm tắt trong bốn tiếng ngắn ngủi: “thường thường bậc trung”. Mười hai năm đi học, anh đều học tại những trường rất bình thường tại mảnh đất Tam Kỳ, Quảng Nam, thành tích học tập cũng không có gì quá nổi trội so với các bạn học cùng trang lứa. Nhưng việc học tập trong môi trường “thường thường bậc trung” không thể khiến đam mê của anh trở nên nhỏ bé và chật hẹp. Long Phi yêu Văn, yêu từ trong máu thịt. Anh tâm sự: “Mình là con người văn chương thì phải có sự ngạo nghễ. Dù lúc đó mình chẳng có thành tích gì hết, nhưng mình biết và có niềm tin rằng mình sẽ không thua ai cả!”.
Long Phi trong một lần tác nghiệp trên tàu Cảnh sát biển. Ảnh: FBNV
Năm 2006, khi anh đang là học sinh lớp 10, cơn bão Chanchu đổ bộ vào các tỉnh miền Trung gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và nặng nề cho quê hương anh, cho đồng bào anh. Trái tim đa cảm của cậu thanh niên 16 tuổi lúc ấy thôi thúc cậu phải viết, phải viết thôi! Thế rồi, truyện ngắn Khi mặt trời lên viết về bão Chanchu của chàng trai Long Phi đã “chiếm sóng” hẳn một trang dài của chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ trên tờ Báo Quảng Nam với số tiền nhuận bút là 350.000 đồng. “Lúc đó nhìn thấy bài được đăng mình sướng kinh khủng, đến giờ nhắc lại vẫn còn thấy sướng! Đó mới là điều làm mình thấy tự hào nhất chứ không phải giải thưởng gì cả.”, anh bồi hồi nhớ lại.
Bốn năm là sinh viên Báo chí, tuy ít có dịp cộng tác với các tờ báo, nhưng những kỷ niệm được hợp tác sản xuất các chương trình Radio Sinh viên tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng là những trải nghiệm vô giá của anh trong suốt những năm tháng trên giảng đường. Anh kể: “Năm đó tụi mình còn chưa học học phần nào về phát thanh, cũng mày mò tìm hiểu rồi nghe thử mấy chương trình radio của họ làm ra sao rồi về tự học tự bàn bạc mà làm theo. Ngày đó máy móc kỹ thuật cũng không được như bây giờ, đám bạn mình cũng chật vật, khổ sở lắm mới cho ra được một số. Vậy đó mà cứ định kỳ tuần nào cũng có chương trình để phát, thính giả cũng yêu thích. Đâu có đồng tiền nào đâu, vậy mà ham!”.
Có một lần, trong học phần Phát thanh của giảng viên thỉnh giảng Phan Thanh Hằng, nhóm anh được giao làm về đề tài sống thử. Sau khi anh viết kịch bản chương trình gửi đi, ngay trong tối hôm đó, thầy Hằng gọi điện cho anh: “Mi chắc chắn phải làm khóa luận tốt nghiệp với thầy!”. Có lẽ, từ những số Radio Sinh viên định kỳ, từ những lời động viên của người thầy gắn bó với anh suốt nhiều năm như vậy đã gieo mầm trong Long Phi một niềm yêu thích, say mê đặc biệt với phát thanh. Cho đến khi ra trường và bắt đầu làm việc, anh vẫn chọn loại hình báo chí này là con đường phát triển của mình.
... đến “người đàn ông theo sau vợ cảnh sát biển"”
Tốt nghiệp Đại học, Long Phi về công tác tại Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam, anh càng nhận thấy phát thanh chính là thế mạnh của mình. “Ngoài những kỷ niệm về thời còn làm Radio Sinh viên, lý do tiếp theo khiến mình muốn đi theo loại hình này chính là khi mình nhận thấy phát thanh rất phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, tiềm lực của Đài mình công tác. Với phát thanh, mình không bị giới hạn sự sáng tạo và có thể vượt ra khỏi những khuôn khổ, miễn là tác phẩm đó hay và được nhiều người chấp nhận”, Long Phi thẳng thắn chia sẻ. Anh cho rằng giữa phát thanh và truyền hình thì quá trình thực hiện một chương trình phát thanh sẽ dễ dàng hơn, tốn kém ít hơn và có thể thực hiện độc lập. Chính vì thế, dấu ấn cá nhân của người biên tập trong một tác phẩm phát thanh sẽ đậm nét hơn so với một tác phẩm truyền hình.
Anh nhớ lại năm 2016, khi đó anh được phân công làm một chương trình phát thanh trực tiếp với tên Hậu phương của những người chiến sĩ cảnh sát biển. Anh tâm sự: “Từ khi thành lập Đài đến năm đó, chưa khi nào Đài của mình tham dự Liên hoan Phát thanh toàn quốc với thể loại phát thanh trực tiếp, một trong những thể loại khó nhất của phát thanh. Lúc đó mình cũng áp lực khủng khiếp, vì số tiền đầu tư để làm chương tình này đến hơn 100 triệu, đối với đài địa phương đây là một số tiền không nhỏ”. Anh phải thay đổi kịch bản của chương trình này đến hơn 10 lần vì nhân vật tham gia chương trình liên tục bị thay đổi. Cứ mỗi lần viết lại kịch bản là mỗi đêm anh thức trắng, vì lo rằng kịch bản này không hay bằng kịch bản trước, câu chuyện này không xúc động, không đặc sắc bằng câu chuyện kia.
Để có thể thuyết phục được cơ quan Cảnh sát biển tham gia vào chương trình, thuyết phục gia đình các nhân vật chịu xuất hiện trong buổi phát thanh là chuyện không hề đơn giản. Anh và những người cộng sự liên tục phải đi đến các cơ quan ban ngành, nhà riêng của những nhân vật trong câu chuyện. Có những ngày đi ròng rã, điều mà Long Phi nhận được chỉ là những cái lắc đầu. “Có nhiều lúc chán nản đến mức muốn dừng lại, nhưng không đành. Đây là tâm huyết, là đam mê của mình, cũng là kỳ vọng của mọi người. Mình chỉ biết đặt niềm tin, tự động viên rằng mình sẽ làm tốt, làm hay!”, anh chia sẻ về thời điểm khó khăn lúc đó.
Ngày thực hiện chương trình với ba điểm cầu Khánh Hòa, studio của Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam, trên tàu cảnh sát biển ở Hoàng Sa, Long Phi chịu trách nhiệm dẫn tại điểm cầu Khánh Hòa. Có nhân vật là vợ của chiến sĩ cảnh sát biển vừa mới mổ tim xong, sức khỏe còn rất yếu nhưng cũng xuất hiện trong chương trình để chia sẻ câu chuyện của mình với sự hỗ trợ từ phía các bác sĩ túc trực ngay tại studio, đó là một trong những điều khiến anh rất cảm động. Trong chương trình ngày hôm đó, những câu chuyện người ta hay nói về biển đảo, về chủ quyền thiêng liêng tạm lùi về sau, nhường chỗ cho những sẻ chia rất đời, rất dung dị của biết bao người mẹ, người vợ của các chiến sĩ ngoài hải đảo.
Có cặp vợ chồng khi con sinh ra phải nằm trong lồng kính nhưng cha vẫn không thể có mặt ở đó. Những người vợ suốt 9 tháng mang nặng những chưa được một lần được chồng dẫn đi khám thai. Xúc động hơn, khi người vợ phải mổ tim nhưng không được chồng kề cạnh, chăm sóc... Họ đánh đổi hạnh phúc cá nhân, những ước mong tưởng chừng như quá đỗi bình thường để hi sinh cho sứ mệnh cao cả bảo vệ Tổ quốc. Đó mới là hậu phương vững chắc, là nguồn động lực to lớn nhất để giúp cho các chiến sĩ thêm mạnh mẽ, vững vàng. Sau khi dứt sóng, tất cả mọi người có mặt đều đồng loạt đứng dậy vỗ tay, có người đôi mắt đã nhòe nước từ lúc nào không hay. Chương trình phát thanh trực tiếp “Hậu phương của những người chiến sĩ cảnh sát biển” đã đạt giải Nhì trong Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm đó.
Long Phi rất có duyên với những tác phẩm phát thanh về đề tài biển đảo. Đối với anh, mỗi một lần ra khơi cùng các chiến sĩ đều khiến anh thêm yêu thương và trân quý sự hi sinh lớn lao của họ. “Có thể vì mình làm nhiều bài về đề tài này nên mấy anh em đồng nghiệp cũng chọc là “người đàn ông theo sau vợ cảnh sát biển”. Với đề tài biển đảo ở các báo đài địa phương, mình chắc thuộc dạng làm nhiều nhất!”, anh cười. Long Phi hiện tại đang phụ trách chuyên mục Cảnh sát biển của Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam và chuyên mục này cũng được năm Đài Phát thanh Truyền hình của Đồng bằng Duyên hải Miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định) phát lại. Đó cũng là một niềm vinh dự và tự hào trong 6 năm làm nghề của Long Phi.
Trong tác phẩm phóng sự Cờ Tổ quốc trên biển Đông đã đạt giải Nhất giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Quảng Nam trong năm nay của mình, Long Phi rất nhớ lần tác nghiệp trên tàu 8002 – một trong những tàu cảnh sát biển hiện đại nhất Đông Nam Á tính tới thời điểm hiện tại. Trên con tàu đó, anh đã gặp được một nhân vật vô cùng đắt giá, đó chính là bác Sáu Tâm, Trung tướng tình báo của Biệt động Sài Gòn, con người của lịch sử từng được diễn viên Thương Tín khắc họa rõ nét trong bộ phim Biệt động Sài Gòn. Đêm đó, sau khi thức đến 2h sáng cùng với bác Sáu Tâm và các chiến sĩ trên tàu, bác có nói với anh một câu chắc nịch: “Ngày mai ta chỉ trả lời phỏng vấn một mình mi thôi!”. Rồi trong bài phỏng vấn, anh vẫn nhớ như in một câu nói của bác khiến anh vô cùng xúc động: “Ngày xưa khi chúng tôi còn chiến đấu, đồng chí Lê Đức Anh có chỉ đạo cho chúng tôi rằng chiếm được đất ở đâu thì cắm ngọn cờ Tổ quốc lên đó để khẳng định rằng đất này đã thuộc về quân giải phóng. Hôm nay, khi tôi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc cắm trên con tàu cảnh sát biển này, và đặc biệt là những lá cờ trên nóc các tàu cá của ngư dân, tôi biết rằng Tổ quốc chúng ta vẫn luôn hiện hữu ở đó...”.
Khao khát của con sói đang leo lên đỉnh đồi
Năm 18 tuổi, Long Phi đem niềm tin và ước mơ của mình gửi gắm vào bộ hồ sơ Đại học duy nhất với ngành Cử nhân Báo chí của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Anh cười nhớ lại: “Nghĩ hồi xưa mình cũng liều, đăng ký có duy nhất một khối, một trường Đại học. Rớt phát là không biết trôi về đâu!”. Mà đúng thật, năm đó anh trượt nguyện vọng một vào Nhân văn nên xét tuyển nguyện vọng hai về ngành Cử nhân Báo chí Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Đó là năm 2008, năm tuyển sinh khóa đầu tiên của ngành học Cử nhân Báo chí. Anh chia sẻ: “Trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của mã ngành này, mình cũng tự hào nhưng không khỏi lo lắng với những chập chững, đơn sơ của của một mã ngành buổi ban đầu. Những để hỏi rằng mình có băn khoăn hay hối hận về chọn lựa này của mình hay không, mình xin khẳng định rằng mình không hề băn khoăn, hối hận. Đến bây giờ, mình hạnh phúc về sự chọn lựa đó”.
Khi được hỏi về những thành tích của mình đạt được trong thời sinh viên, anh dí dỏm đáp: “Có mà thành tích quậy thì nhiều. Mình không phải dạng cá biệt nhất lớp, nhưng hạng nhì hạng ba thì ... chắc có”. Cậu sinh viên Long Phi ngà xưa dẫu nghịch ngợm là thế nhưng anh vẫn luôn giữ được thái độ nghiêm túc, nhiệt tình, tham gia sôi nổi vào những tiết thảo luận, thuyết trình nhóm, những môn học liên quan đến chuyên ngành học.
Vì là khóa đầu tiên của ngành học Cử nhân Báo chí, lại tạo được những dấu ấn, phong cách riêng nên Long Phi được nhiều giảng viên quan tâm. “Mình được khá nhiều giảng viên để ý, nhất là cô Diễm Phó chủ nhiệm khoa ngày đó. Những năm đầu ra trường, cô là người hay nhắn tin hỏi thăm tình hình công việc của mình, mỗi khi nhận được một giải thưởng hay một thành tích gì cô đều nhắn tin động viên, chúc mừng. Ngày hai vợ chồng mình (vợ là chị An - cựu sinh viên 08CBC) quay về trường chụp ảnh cưới, lại chính là cô Diễm dắt tụi mình vào lại chốn xưa. Đó cũng là lần cuối mình được gặp, được nói chuyện với cô.”, Long Phi xúc động nhớ lại.
Long Phi luôn nhắc về ngành Cử nhân Báo chí Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng với một tình cảm trân trọng và đầy yêu thương. Ra trường 6 năm và cũng đã gặt hái được những thành tích nhất định, anh cho rằng chính sự đào tạo tại mái trường này đã góp phần rất lớn tạo nên một Long Phi hôm nay. Anh tin rằng ngành Báo chí ra đời tại Đà Nẵng, một thành phố với nhiều cơ quan báo chí truyền thông, sẽ là một ngành học đầy tiềm năng và đang phát triển nhanh chóng. Long Phi khẳng định: “Mảnh đất báo chí này rồi đây sẽ vun trồng lên nhiều quả ngọt vì nơi đây có những người làm vườn tâm huyết và cần mẫn, những người thầy người cô đầu tiên khai hoang mở đường. Bên cạnh đó, nơi đây còn có những hạt giống từ miền Trung tuy chịu nhiều đau thương mất mát nhưng vẫn vươn lên mạnh mẽ, tràn đầy sức sống.”
“Hãy cứ cháy trong mình một niềm khao khát được chạm đến vạch đích, hãy mang trong mình một sự ngạo nghễ và tự tin, hãy cố gắng thực hiện ước mơ của mình ngay từ bây giờ một cách chăm chỉ và nghiêm túc nhất, mình tin các bạn sẽ thành công. Thước đo của thành công không nằm ở danh hay lợi mà nằm ở niềm hạnh phúc của các bạn khi được làm những gì bạn thích”, đó là những lời khuyên hết sức chân thành mà Long Phi gửi đến cho các bạn sinh viên ngành Báo chí của trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Anh cho rằng ngành Cử nhân Báo chí còn non trẻ như hiện nay nhưng đã, đang và sẽ gặt hái được nhiều thành tích. Con sói đứng trên đỉnh đồi không khát khao bằng con sói đang leo lên đỉnh. Với sức trẻ, với sự khao khát và đam mê được thể hiện, được cống hiến hết mình, ngành Báo chí của trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng sẽ có những bước tiến vượt bậc trong tương lai không xa.
Long Phi nhận giải thưởng Báo chí Búa liềm vàng lần thứ II năm 2017. Ảnh: FBNV
Họ và tên: Nguyễn Long Phi
Năm sinh: 1990
Tốt nghiệp ngành Cử nhân Báo chí, khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng năm 2012
Cơ quan công tác: Phòng Thời sự - Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Quảng Nam
Thành tích: Hơn 10 giải thưởng Báo chí của Trung ương và của tỉnh Quảng Nam, nổi bật là các giải thưởng:
- Giải B Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Búa liềm vàng lần thứ II năm
2017 với Tác phẩm Chọn người tài hay chọn người nhà?.
- Giải Nhì và huy chương Đồng Liên hoan Phát thanh Toàn quốc
- 3 Giải Nhất Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Quảng Nam ở các năm
2013, 2016, 2018. |
Thúy Hiền