- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH quy định một trong những thành viên đương nhiên của Hội đồng trường có đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường đại học. Ông nhận định thế nào về quy định này?
- Việc người học tham gia Hội đồng trường tuy mới mẻ ở Việt Nam nhưng đối với các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới thì không mới. Chúng ta cũng đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này trước khi thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Vì vậy, theo tôi không nên bàn tính đúng sai hay hợp lý của quy định mà nên tập trung bàn về cách thức lựa chọn và vận hành các thành viên Hội đồng trường như thế nào cho hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam.
- Có ý kiến cho rằng, bản thân sinh viên chưa có đủ nhận thức xã hội; sinh viên Việt Nam lại ít chủ động, phản biện, khác với sinh viên nước ngoài, nếu vào Hội đồng trường sẽ khó phát huy được vai trò của mình, ông nghĩ sao? Điều này có đúng với thực tế tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng hay không?
- Quy định về sự tham gia của người học trong Hội đồng trường đại học có ý nghĩa lớn đối với các thế hệ sinh viên và cán bộ Đoàn, Hội.
Thực tế hiện nay thì nhận xét trên đang đúng với số đông người học ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người học có nhận thức, tư duy và tính phản biện cao.
Có rất nhiều sinh viên của chúng tôi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng từ rất sớm và các em cũng đã có những ý kiến, góp ý với nhà trường trong các hoạt động chung.
Cái thiếu của người học hiện nay là kiến thức về quản trị nhà trường, sự hiểu biết đầy đủ về chiến lược phát triển nhà trường. Đương nhiên, chúng ta không thể quá kỳ vọng vào sự xuất sắc tuyệt đối như vậy. Hội đồng trường là một tập thể có tối thiểu 15 thành viên, mỗi một thành viên trong Hội đồng sẽ có những đóng góp khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và năng lực của mỗi người.
Tôi nghĩ, thành viên là người học sẽ có các ý kiến phản biện tốt liên quan tới các vấn đề về chăm sóc, hỗ trợ người học, giám sát nhà trường trong việc đảm bảo quyền lợi của người học.
Việc phát huy được vai trò của các thành viên Hội đồng trường đến đâu thì phụ thuộc nhiều vào năng lực của chủ tịch Hội đồng và văn hóa của cơ sở giáo dục đại học đó.
- Theo ông, cần làm thế nào để chọn được người đại diện xứng đáng cho sinh viên vào Hội đồng trường?
- Việc lựa chọn thành viên như thế nào thì có lẽ cần chờ nghị định hướng dẫn thực hiện. Vì theo Luật sửa đổi thì thành viên là đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là người học, điều này có nghĩa là thành viên trên chưa hẳn đã là sinh viên mà cũng có thể là học viên sau đại học tham gia học theo chương trình tập trung đang trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn (đến 35 tuổi).
Thành viên này chắc chắn sẽ do tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của nhà trường giới thiệu. Người được lựa chọn phải đại diện được cho tổ chức và các cá nhân giới thiệu mình nên tôi nghĩ người đó có thể là thành viên của BCH Đoàn trường hoặc Ban Thư ký Hội Sinh viên, người được bầu lên từ các cấp bộ Đoàn, Hội của sinh viên.
Tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong việc tìm, giới thiệu và hỗ trợ cho người đại diện này tham gia tốt Hội đồng trường. Thành viên Hội đồng trường là người học có thể tìm sự hỗ trợ từ chính tổ chức giới thiệu mình để có đầy đủ thông tin, kiến thức và kỹ năng khi tham gia Hội đồng trường.
- Làm thế nào để thực sự phát huy được vai trò của đại diện người học trong Hội đồng trường? Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng?
- Đây là hoạt động chưa có trong tiền lệ của chúng ta, tuy nhiên từ các hoạt động khác trong nhà trường, tôi nghĩ để phát huy được vai trò của người học trong Hội đồng trường thì chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận về thành viên này.
Khi tham gia vào Hội đồng trường thì tất cả các thành viên đều có quyền và vai trò như nhau. Người học cũng phải được cử đi tham gia một số khóa bồi dưỡng hoặc tập huấn về quản trị đại học để có những hiểu biết cơ bản nhất; tiếp đó việc phân công mảng công việc trong Hội đồng cần phù hợp với năng lực và vị trí của mỗi thành viên (điều này còn phải áp dụng cho thành viên là đại diện giảng viên, người lao động trong Hội đồng).
Kinh nghiệm của chúng tôi là phát huy tính dân chủ, khuyến khích phản biện và tôn trọng sự khác biệt. Tôn trọng và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người học. Lâu nay, nhà trường đã có kênh tiếp nhận các góp ý và phản ánh của sinh viên và hầu hết sinh viên của trường hiện hài lòng về sự phản hồi của nhà trường về ý kiến của các em.
- Hoạt động của Hội đồng trường các trường ĐH lâu nay vẫn được nhận định là hình thức, kém hiệu quả. Theo ông, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH sẽ tác động đến điều này như thế nào?
- Đối với các trường đại học công lập, nếu nhận xét: Hoạt động của Hội đồng trường là hình thức và kém hiệu quả thì có lẽ không công bằng cho các thành viên Hội đồng lâu nay. Vấn đề là ở quy định về hoạt động của Hội đồng trường trước nay đã hợp lý hay chưa, có phát huy được trí tuệ của Hội đồng hay không, có bị chồng chéo với các tổ chức/đơn vị khác trong nhà trường không.
Tôi xin phép có ý kiến nhận xét sau khi chúng ta có đầy đủ nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện, lúc đó chúng ta mới biết được các hạn chế của quy định cũ có được khắc phục hoàn toàn hay không.
- Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn