Giáo sư. Gs. Jane Singer, Đại học: Kyoto University trao đổi với sinh viên về chủ đề trường học bền vững
Hướng đến việc giảm thiểu phát thải cacbon thông qua các chương trình sản xuất năng lượng tái tạo để sử dụng trong khuôn viên trường (tấm pin mặt trời, tua-bin gió), xây dựng các tòa nhà sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo tồn sử dụng năng lượng, tăng diện tích cây xanh, quản lý và giảm thiểu rác thải…là một số ý tưởng được gợi ý trong việc xây dựng trường học bền vững.
Tại buổi seminar GS đã giới thiệu các bảng xếp hạng, một số tiêu chí về trường đại học bền vững trên thế giới và các kỹ thuật liên quan đến việc xây dựng trường học bền vững. Dẫn đầu xu hướng này là một số trường đại học tại các quốc gia Phát triển như Hà Lan, Anh quốc, Hoa Kỳ (Wageningen U., Netherlands; U. of Nottinghan, UK; U. of California Davis, US; U. of Oxford, UK, Nottingham Trent U, UK; Umwelt-Campus Birkenfeld, Germany). Nhận thức được tầm quan trọng cũng như các giá trị của trường học sinh thái, nhiều trường đại học ở Ấn độ, Trung Quốc đang tăng tốc việc áp dụng các thiết kế, vận hành các tòa nhà thông minh, tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2. Đã có hơn 7.000 dự án xây dựng đạt được chứng chỉ dẫn đầu trong Thiết kế Năng lượng & Môi trường (LEED): hệ thống chứng nhận công trình xanh được quốc tế công nhận.
Việc xây dựng một trường học bền vững cần đảm bảo về mặt vận hành – Phần cứng (thiết kế tòa nhà mới, dự án sửa chữa và cải tạo, vận hành và bảo trì tòa nhà, thực hành mua sắm, cảnh quan, quản lý chất thải và tái chế, quản lý năng lượng, vận chuyển, dịch vụ thực phẩm ….) đồng thời phối hợp với việc nghiên cứu, giáo dục và làm việc với cộng đồng nhằm lan tỏa các giá trị bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Một số ví dụ điển hình về thực hành tốt trường học bền vững tại trường đại học Kingston U., London, Vương quốc Anh; trường đại học Nam Thái bình dương (University Of The South Pacific (USP)) tại quốc đảo FIJI và mô hình trường học bền vững tại Đại học Kyoto, được GS giới thiệu một cách sinh động, gần gủi với sinh viên.
Tại buổi seminar sinh viên đã tích cực trao đổi về những vấn đề môi trường còn tồn tại và giải pháp khắc phục như vấn đề phát thải từ xe máy, rác thải nhựa, phân loại rác tại trường ĐH Sư Phạm.
Bắt đầu từ những hành động nhỏ như từ chối sử dụng ống hút nhựa tại căn tin, mang theo bình đựng nước cá nhân khi đi học, giảm thiểu sử dụng túi nilong, sử dụng tiết kiệm và hợp lý các thiết bị điện tại trường học… là bạn đang góp phần tạo ra một trường học sinh thái. Trường đại học sẽ chỉ đáp ứng được các mục tiêu bền vững nếu như có sự tham gia của cộng đồng. Tất cả nhân viên, giảng viên và sinh viên cùng nhau giảm tiêu thụ năng lượng, thúc đẩy các chiến lược giảm thiểu chất thải, lựa chọn các phương tiện di chuyển thay thế và các sáng kiến bền vững khác trong văn phòng, lớp học, phòng thí nghiệm, thư viện, nhà ở và trong cuộc sống cá nhân…
Đưa tin
Kim Yến – VPHT Frankfurt – Khoa Sinh – Môi trường