Mở đầu buổi giao lưu, GS.TSKH Bùi Văn Ga chia sẻ, ngày nay, với sự phát triển của Internet thì nguồn tư liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ cho NCKH là rất nhiều. Đồng thời, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm cũng đang được đầu tư và nâng cao; điều kiện, khoa học kĩ thuật ngày nay khác hoàn toàn so với thời kì trước nên chúng ta thực hiện các NCKH có nhiều thuận lợi hơn và cần phải nghiêm túc hơn. Đặc biệt, đối với những nghiên cứu sinh ở nước ngoài về nước, những nhà nghiên cứu trẻ thì phải biết tận dụng cơ hội để làm và phát triển các công trình NCKH của mình.
GS.TSKH Bùi Văn Ga chia sẻ những câu chuyện xoay quanh việc làm NKCH
với các giảng viên và sinh viên trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN
Nhìn nhận từ thực tế, GS.TSKH Bùi Văn Ga nhận định, chúng ta phải nhận thức được về sự phát triển của khoa học – công nghệ, phải thực hiện các NCKH ngay khi có cơ hội. Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga, muốn thực hiện NCKH thì phải có niềm đam mê. Cộng hưởng với đó là chúng ta biết cách lên kế hoạch, công việc cụ thể thì mới có thể thực hiện thành công các đề tài NCKH một cách hiệu quả.
Khi lựa chọn hướng thực hiện NCKH, chúng ta có thể đi theo 2 hướng: Thứ nhất, đi theo đam mê, nghiên cứu sâu về một vấn đề mà chúng ta thực sự muốn tìm hiểu; Thứ hai, thực hiện đề tài hướng đến xử lý những vấn đề đặt ra theo tình hình, nhu cầu thực tế của cộng đồng. Với các trường đại học, NCKH không chỉ dành cho những người ưu tú hay ưu tiên cho bất kỳ ai mà ai cũng có thể làm NCKH. Nhà trường phải có chế độ, chính sách khuyến khích, có cách tiếp cận khác trong công tác quản lý, chia sẻ nguồn lực để làm sao huy động được đông đảo sinh viên và giảng viên trong nhà trường cùng nhau tham gia nghiên cứu. Cụ thể, thay vì giao đề tài theo cách cũ thì nhà trường thay đổi bằng cách quản lý sản phẩm đầu ra, đưa vào cơ chế nội bộ các quy định khen thưởng đối với đề tài nghiên cứu có kết quả được đăng trên các tạp chí nước ngoài hoặc trong nước theo yêu cầu.
GS.TSKH Bùi Văn Ga cho rằng, trong kỷ nguyên tất cả các khái niệm về NKCH đã đổi mới, nếu chúng ta chỉ bám víu vào những điều kiện cũ, tư duy cũ thì chúng ta không bao giờ làm được và không thể phát triển được NCKH. Ông nhấn mạnh: “Phải tinh thông ngoại ngữ, có kiến thức chuyên môn và phải có đam mê thì mới có thể thực hiện tốt đề tài NCKH”.
Các bạn sinh viên tham gia đặt câu hỏi, chia sẻ nguyện vọng,
đam mê làm NCKH của mình với GS.TSKH Bùi Văn Ga
PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Nhà trường tặng hoa cảm ơn GS.TSKH Bùi Văn Ga
Về tầm quan trọng của ngoại ngữ, GS.TSKH Bùi Văn Ga cho biết, ngoại ngữ là một nhân tố hỗ trợ người nghiên cứu rất nhiều trong quá trình làm NCKH. Để hiểu được những thuật ngữ chuyên ngành thì trước hết hãy đọc nhiều tài liệu về ngôn ngữ đó, hiểu được nội dung chung của nghiên cứu đó thì từ đó có thể thuận lợi hơn cho việc hiểu được những thuật ngữ chuyên ngành mà không cần phải dịch hẳn ra tiếng Việt.
Tham dự buổi tọa đàm giao lưu với GS.TSKH Bùi Văn Ga, PGS.TS Lưu Trang – Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Qua buổi giao lưu hôm nay, chúng ta đã tiếp nhận được nhiều thông tin lý thú, bổ ích, đặc biệt đã thổi lửa đam mê NKCH trong chúng ta. Chúng ta xác định và nhận thấy NCKH có cần thiết không? Chúng ta được gì và không được gì? Điều quan trọng hơn hết NCKH giúp chúng ta luôn tư duy trong hành động, trong công việc, trong mọi hoàn cảnh sống, giúp chúng ta có cái nhìn sự việc một cách khoa học và khách quan ở nhiều khía cạnh. Tôi hy vọng qua buổi chia sẻ này, NCKH trong giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm sẽ tiếp tục phát triển, trở thành đầu tàu của sự phát triển của trường ta”.
Tại buổi tọa đàm, GS.TSKH Bùi Văn Ga đã chia sẻ, giải đáp những thắc mắc, tâm tư, nguyện vọng về quá trình làm NCKH của các giảng viên và các bạn sinh viên nhà trường.
Mai Quang – Thanh Thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn