Sinh viên UED nghiên cứu khoa học xuất phát từ nhu cầu và thực tiễn cuộc sống

Chủ nhật - 16/06/2024 14:25
Trong Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 cấp Thành phố Đà Nẵng vừa qua, sinh viên Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN có 2 đề tài đạt thành tích cao. Đây cũng là những đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao.
Trong thời đại hiện nay, việc tìm kiếm và phát triển các giải pháp bảo vệ môi trường, tận dụng tài nguyên một cách hiệu quả đang trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều tổ chức và cá nhân. Cũng với mục tiêu ấy, nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN đã thực hiện các đề tài nghiên cứu và xuất sắc đạt giải Nhì, giải Ba trong cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” cấp TP. Đà Nẵng năm 2024. Đề tài đạt giải Nhì là “Chế phẩm sinh học - Diệt trừ sâu bệnh và bảo vệ môi trường” của nhóm sinh viên: Phan Thị Lê, Phạm Thị Diễm (Lớp 22SS) và Phạm Thị Thảo (Lớp 23SS), Khoa Sinh – Môi trường.
Nhóm đề tài đạt giải Ba là “Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật” của nhóm sinh viên thuộc lớp 22SKT1, gồm Nguyễn Thị Thảo, Trần Thị Quỳnh Như, Trần Thị Kim Oanh, Nguyễn Thành Toàn, Lê Võ Như Thùy.
Cả hai đề tài nghiên cứu này đều được hội đồng đánh giá có tính ứng dụng cao và có thể tiếp tục phát triển để phục vụ nhu cầu thực tế. Trong đó, sản phẩm dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn và mang lại những phản hồi tích cực.
Nhóm tác giả đề tài “Chế phẩm sinh học - Diệt trừ sâu bệnh và bảo vệ môi trường” cho biết, ý tưởng xây dựng đề tài xuất phát từ nhu cầu và mong muốn thực tế của tất cả các thành viên trong nhóm. Các bạn đều là con nhà nông, có sở thích trồng cây và thường xuyên phải chứng kiến cảnh cây trồng bị sâu bệnh phá hoại. Trong khi đó, đa số người dân hiện nay khi canh tác thì chỉ sử dụng phân bón hoá học, thuốc hóa học là chủ yếu hoặc những biện pháp chưa tối ưu để diệt trừ sâu bệnh. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái mà lại ít đem lại hiệu quả cao. Từ những kiến thức được học và tìm hiểu về nông nghiệp xanh, phát triển biền vững… các bạn sinh viên Khoa Sinh – Môi trường đã nghiên cứu và sáng chế ra chế phẩm bảo vệ thực vật từ vi sinh. Sản phẩm đang được nhóm tiếp tục nghiên cứu và phát triển hoàn thiện để có thể áp dụng rộng rãi, giúp nâng cao năng suất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.
Nhom che pham sinh hoc
Nhóm tác giả của đề tài "Chế phẩm sinh học - Diệt trừ sâu bệnh và bảo vệ môi trường”
tại lễ tuyên dương sinh viên do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Nhà trường tổ chức. 
Cũng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhóm sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Khoa Hóa học đã tìm tòi, nghiên cứu và “Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật”. Sản phẩm đã được kiểm định chất lượng bởi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2. Trong chiến dịch Mùa Hè Xanh năm 2023 của Trường Đại học Sư Phạm - ĐHĐN, các bạn đã sản xuất 160 chai dung dịch tẩy rửa đa năng từ enzyme tặng cho bà con tại xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, nhóm cũng chuyển giao công nghệ và hướng dẫn bà con cách tự sản xuất sản phẩm.
Nhom san xuat dung dich enzyme
Nhóm tác giả đề tài “Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật”
tại Lễ tuyển dương sinh viên do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN tổ chức.
Ngoài ra, nhóm cũng tặng dung dịch tẩy rửa đa năng enzyme thiên nhiên cho người dân tại một số địa phương khác sử dụng trải nghiệm. Chị Lê Thị Hoa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) cho biết: “Sau khi được tặng dung dịch tẩy rửa đa năng enzyme thiên nhiên, tôi đã dùng được vài ngày và thấy rất ấn tượng. Sản phẩm có khả năng làm sạch nhiều vết bẩn cứng đầu trên bếp, cửa kính, xoong nồi… mà không gây hại cho da tay. Mùi hương cam thảo của sản phẩm cũng rất dễ chịu”.
Phong thi nghiem
Trần Thị Quỳnh Như (bên trái) và Trần Thị Kim Oanh đang kiểm định độ pH của enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật”
Có thể nói, các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Nếu dung dịch enzyme tẩy rửa từ phế phẩm thực vật và chế phẩm sinh học giúp diệt trừ sâu bệnh được cấp phép và sử dụng rộng rãi sẽ giúp giảm thiểu việc sử dụng các chất tẩy rửa hóa học, giảm ô nhiễm nước và đất, đồng thời thúc đẩy mô hình kinh tế.
Đây không chỉ là những giải pháp sáng tạo, thiết thực mà còn là minh chứng rõ ràng cho thấy sức mạnh của khoa học và công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Đạt giải cao trong Cuộc thi Dự án khởi nghiệp cấp thành phố, các đề tài này cũng cho thấy tiềm năng và khả năng ứng dụng thực tiễn hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Trong xu thế hội nhập thế giới, việc tổ chức tốt hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tính tự chủ và sáng tạo của sinh viên,  đồng thời là động lực gợi mở cho sinh viên những hướng đề tài mới, khuyến khích phát huy tính năng động, sáng tạo của sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học. Việc thực hiện và bảo vệ một đề tài nghiên cứu khoa học còn rèn cho sinh viên kỹ năng diễn đạt, trình bày, kỹ năng thuyết trình, giúp chúng em phong thái tự tin hơn. Đây cũng là trải nghiệm rất quý báu và thú vị mà không phải bất kỳ sinh viên nào cũng có được trong quãng đời sinh viên của mình.
Thành công của những đề nghiên nghiên cứu khoa học do sinh viên thực hiện cũng chính là động lực để những người yêu thích, đam mê nghiên cứu khoa học tiếp tục kiên trì, cố gắng hơn. Hy vọng, các đề tài trên của các bạn sinh viên sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và phát triển hơn nữa để trở thành giải pháp xanh bền vững trong tương lai. 
Huyền Trang (Lớp 21CBC2)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây