Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc”
Thứ tư - 03/07/2024 14:31
Ngày 30/6, Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN phối hợp với UBND huyện Duy Xuyên tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc”.
Hội thảo là sự kiện đặc biệt nhân kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604-2024), với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nghiên cứu khoa học, lịch sử văn hóa trong cả nước. Trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Lưu Trang, Chủ tịch hội đồng Khoa học và Đào tạo Nhà trường cho biết, hội thảo lần này là diễn đàn công bố kết quả nghiên cứu về các vấn đề về lịch sử, văn hóa, kinh tế xã hội và con người của vùng đất Duy Xuyên. Đồng thời, đánh giá vị trí, vai trò của Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Hội thảo tập trung vào các nhóm nội dung chính là lịch sử mở đất, lập làng và dòng họ; lịch sử đấu tranh vào bảo vệ Duy Xuyên; lịch sử xây dựng và phát triển kinh tế; thành tựu văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 118 bài viết của 250 tác giả gửi về tham gia. Trải qua quá trình thẩm định, phản biện nghiêm túc, 49 bài nghiên cứu có nhiều kết quả mới, có giá trị thực tiễn và khoa học đã được chọn để in, xuất bản kỷ yếu hội thảo có chỉ số ISBN. Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN có 4 bài viết của các tác giả được chọn báo cáo tại hội thảo. Đó là các báo cáo: “Diên cách lịch sử huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam” - các tác giả: TS. Lê Thị Mai, ThS. Tăng Chánh Tín; “Thủ công nghiệp Duy Xuyên” - các tác giả: TS. Nguyễn Minh Phương, ThS. Nguyễn Duy Quý; “Văn hóa sông Thu Bồn với việc khai thác giá trị phục vụ phát triển du lịch của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam” - tác giả: TS. Lê Thị Thu Hiền; “Phát triển và bảo tồn văn hóa truyền thống của Duy Xuyên thông qua tiềm năng sáng tạo nghệ thuật từ kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn” -tác giả: NCS. Trầm Thị Trạch Oanh và Trần Quốc Trưởng.
Bên lề hội thảo, không gian trưng bày “Vùng đất Duy Xuyên qua di sản tư liệu Hán Nôm” đã được khai mạc cùng ngày. Không gian trưng bày gồm 75 tác phẩm tư liệu Hán Nôm, 22 thác bản văn bia, 55 văn bản về các đình chùa, các danh thần, văn hóa làng xã, tộc họ trong 19 địa điểm lưu giữ với 410 đầu mục văn bản Hán Nôm các loại.