Lưu học sinh Lào và những trải nghiệm thú vị về văn hoá, ngôn ngữ Đà Nẵng, Quảng Nam
Chủ nhật - 28/04/2024 07:24
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐNĐN) vừa tổ chức chuyến đi thực tế ngôn ngữ và văn hoá cho 108 lưu học sinh có quốc tịch Lào đang theo học Chương trình dự bị tiếng Việt. Hành trình tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hoá tại Đà Nẵng, Quảng Nam đã mang đến cho các lưu học sinh nhiều trải nghiệm thú vị.
Trở về Trường sau một ngày trải nghiệm thực tế ngôn ngữ và văn hoá, lưu học sinh THATSANY PHOMMASY (đến từ Thủ đô Viêng Chăn, Lào) chia sẻ, chuyến thực tế đã đem đến cho chúng em rất nhiều kiến thức mới, nhiều trải nghiệm thú vị và những kỉ niệm vui vẻ bên thầy cô, bạn bè. Chúng em được hiểu biết thêm về các địa điểm nổi tiếng của lịch sử, văn hoá Việt Nam. Em nhất định sẽ giới thiệu cho gia đình và bạn bè của mình về những nơi mà em đã đến trong chuyến thực tế này”.
Lưu học sinh PHOMMACHAK SONEXAY, đến từ tỉnh Champasack cũng hào hứng kể về những trải nghiệm của mình trong chuyến đi và cho biết “Em rất thích chuyến đi thực tế như thế này, em đã biết thêm nhiều điều mới về văn hoá Việt Nam. Các hoạt động trong chuyến đi cũng tạo cho em cơ hội để nói tiếng Việt tự tin hơn”. Thực tế ngôn ngữ và văn hoá là một học phần bắt buộc trong Chương trình đào tạo dự bị tiếng Việt cho người nước ngoài tại Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN. Mục tiêu của học phần này là nhằm giúp các lưu học sinh có những trải nghiệm về văn hoá Việt Nam, văn hoá địa phương, giúp các bạn có cơ hội rèn luyện ngôn ngữ trong môi trường thực tế. Trong chuyến đi lần này, các lưu học sinh đã được tham quan và trải nghiệm tại: Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước và di sản văn hoá thế giới Thánh Địa Mỹ Sơn.
Các lưu học sinh tham gia thực tế ngôn ngữ và văn hoá khi được hỏi đều cho biết, hoạt động này có rất nhiều ý nghĩa cho việc học tiếng Việt của các bạn và đặc biệt là sẽ rất bổ ích cho kỳ thi tiếng Việt sắp tới. Thông qua việc giao tiếp với người dân địa phương, đọc các bảng giới thiệu tại các nơi đến, nghe hướng dẫn viên thuyết minh… đã giúp các lưu học sinh rèn luyện các kỹ năng nghe, đọc, viết và nói tiếng Việt. Đặc biệt, các bạn cũng được giới thiệu và thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương nơi mình đến, trong đó mỳ Quảng là món ăn được nhiều lưu học sinh rất thích.
Thông tin từ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế cho biết, đây là chuyến đi thực tế ngôn ngữ và văn hoá đầu tiên dành cho lưu học sinh học Chương trình tiếng Việt dự bị. Khác với những chuyến thực tế trước đây dành cho học viên thuộc các lớp đào tạo tiếng Việt giao tiếp – là những người ít nhiều đã sống, làm việc và có những tìm hiểu về lịch sử, văn hoá Việt Nam. Các lưu học sinh tham gia chương trình thực tế lần này là lưu học sinh của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào được nhận học bổng của Chính phủ Việt Nam, học bổng của thành phố Đà Nẵng và học bổng của tỉnh Đắk Lắk.
TS. Nguyễn Văn Sang, Phó trưởng phòng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế cho biết, các điểm đến trong chuyến đi thực tế đều là những di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có giá trị và ý nghĩa lớn về lịch sử, văn hoá, du lịch. Vì vậy, không chỉ là một học phần bắt buộc của chương trình học tiếng Việt, hy vọng chuyến đi còn là hoạt động ý nghĩa để các lưu học sinh hiểu sâu sắc hơn về văn hoá, lịch sử xứ Quảng, lịch sử Việt Nam và thêm yêu hơn đất nước, con người Việt Nam.