Ngày 28/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lớp Bồi dưỡng về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho 500 giáo viên là tổ trưởng chuyên môn tại các trường THCS, THPT thuộc 9 tỉnh duyên hải miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Phú Yên. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tham dự chương trình.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại lớp bồi dưỡng
Phát biểu tại lớp bồi dưỡng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong lần đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này, chương trình đóng vai trò then chốt, là "thước đo chất lượng giáo dục". Mọi hoạt động từ biên soạn sách giáo khoa hay dạy học, kiểm tra đánh giá, đều căn cứ vào chương trình và phải đáp ứng yêu cầu, mục tiêu cần đạt chương trình đã đặt ra. Do đó, để thực hiện hiệu quả được chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên cần nắm kỹ chương trình giáo dục tổng thể, từ quan điểm trong việc đổi mới giáo dục đến mục tiêu, nội dung môn học, phương pháp giáo dục, cách đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực. Từ nắm rõ chương trình, giáo viên mới đi sâu được vào nội dung và các mặt kiến thức.
"Với phương pháp dạy học tích cực, vai trò và vị trí của giáo viên, học sinh đã có sự thay đổi. Giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người tư vấn hỗ trợ cho học sinh. Học sinh trước đây đóng vai trò là người lĩnh hội kiến thức thì tới đây sẽ là người cùng giáo viên kiến tạo kiến thức, tự phát hiện và hình thành năng lực cho bản thân. Sự truyền thụ kiến thức được thay đổi từ chỗ người học bị động tiếp nhận sang chủ động chiếm lĩnh và hình thành kiến thức, năng lực", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Với những thay đổi trên trong việc dạy và học, Thứ trưởng cho rằng, các giáo viên cần làm quen với tư duy kiến tạo và tư duy phản biện. Ngay từ khóa bồi dưỡng này, các thầy cô cần chủ động chiếm lĩnh thông tin mà báo cáo viên mang tới, từ đó biến nó thành kiến thức, năng lực của bản thân và sáng tạo trong công tác giảng dạy sắp tới.
Quang cảnh lớp tập huấn
Các thầy cô tổ trưởng tổ chuyên môn tại nhà trường phổ thông được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá là có vai trò quan trọng. Đây vừa là giáo viên trực tiếp đứng lớp, vừa là đội ngũ cốt cán của các trường, có ảnh hưởng lớn đến công tác chuyên môn của giáo viên cùng tổ bộ môn. Do đó, muốn thực hiện hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tư duy quản lý và giảng dạy của tổ trưởng tổ chuyên môn phải thay đổi để từ đó lan tỏa tinh thần đổi mới cho đồng nghiệp áp dụng theo. Người tổ trưởng đồng thời phải tạo môi trường thân thiện tại tổ chuyên môn để giáo viên đại trà phát huy được năng lực và triển khai việc đổi mới thực chất, vì chất lượng giáo dục cho học sinh.
Trong đợt tập huấn Tổ trưởng tổ chuyên môn bậc THCS, THPT thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới lần này, trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng là đơn vị cùng tham gia tổ chức. PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cho biết: "Đợt tập huấn cũng là cơ hội để kết nối giữa đội ngũ giảng viên chủ chốt của nhà trường với các thầy cô là tổ trưởng chuyên môn ở trường phổ thông; để giảng viên có thêm kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời các giáo viên có dịp chia sẻ chuyên môn, góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới".
https://vtv.vn/giao-duc/boi-duong-cho-500-giao-vien-ve-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-20191129160159029.htm
Nguồn tin: vtv.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn