Theo đó, với sự hướng dẫn của các giảng viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, đã có 2.000 giáo viên cốt cán ở các cơ sở, trường học tại TP Đà Nẵng và 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông, Lâm Đồng) tham gia tập huấn.
Nội dung tập huấn tập trung bồi dưỡng kiến thức chuyên đề về những nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; Chương trình các môn học và hoạt động trải nghiệm; Xây dựng kế hoạch dạy học phát triển năng lực học sinh.
Sau các buổi học, các học viên được công nhận hoàn thành khoá tập huấn với những điều kiện khắt khe như hoàn thành 100% nội dung tự học qua mạng; tham dự ít nhất 80% các buổi tập huấn trực tiếp của cả khoá học; Hoàn thành các bài tập thực hành và được giáo viên hướng dẫn đánh giá ở mức Đạt; Hoàn thành và nộp dự thảo Kế hoạch hỗ trợ giáo viên đại trà...
Các khoá tập huấn đầu tiên đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các học viên.
Nhiều ý kiến đồng tình rằng khối lượng kiến thức phải dung nạp là rất lớn, song với phương thức truyền đạt kiến thức mới, sinh động, các giảng viên hướng dẫn thật sự đã tạo một không khí học tập hào hứng, thú vị. Chính từ đó, nhiều học viên tin tưởng Chương trình GD phổ thông mới khi được triển khai sẽ tạo được những hiệu ứng tốt như thế trong tương lai.
PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng chia sẻ: Các học viên tham gia các khoá tập huấn cán bộ cốt cán sẽ là những “hạt giống đỏ” để ngành GD&ĐT ở các địa phương triển khai bồi dưỡng giáo viên đại trà phục vụ công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình GD phổ thông mới trong thời gian tới.
Ý thức điều này, Nhà trường cam kết tạo điều kiện tốt nhất về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, hậu cần… để đảm bảo việc học tập của quý thầy cô được thuận tiện.
“Do đây là lần đầu tiên thay đổi phương pháp tập huấn, có nhiều cách thức truyền đạt, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sư phạm mới, có thể thể sẽ có những khó khăn, vướng mắc. Nhưng với nỗ lực, tâm huyết của các học viên, cùng những phản hồi tích cực của học viên ở TP Đà Nẵng và các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, chúng tôi tin tưởng rằng, từ các khoá tập huấn đầu tiên này, sẽ có những “cánh chim đầu đàn” định hướng cho Chương trình GD phổ thông mới triển khai hiệu quả nhất trong tương lai” - lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, nhằm chuẩn bị triển khai Chương trình GD phổ thông mới, theo kế hoạc đến năm 2021, cả nước sẽ hoàn thành bồi dưỡng giáo viên cốt cán của Chương trình cho 800 giảng viên sư phạm, 1.000 cán bộ quàn lý cấp sở/phòng GD&ĐT, 4.000 hiệu trưởng, 35.000 giáo viên phổ thông và hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, khoảng 28.000 hiệu trưởng và khoảng 900.000 giáo viên phổ thông.
Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng được Bộ GD&ĐT giao trách nhiệm phối hợp với ngành GD ở các địa phương, tập trung ở TP Đà Nẵng và 5 tỉnh Tây Nguyên, tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán cho chương trình GD phổ thông mới. Hình thức tập huấn kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Khánh Hiền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn