P.V. Thưa PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, thực tế phát triển của Trường ĐHSP Đà Nẵng trong 5 năm qua cho thấy: ở đâu vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện rõ nét thì ở đó gặt hái được nhiều thành tựu về phát triển. Ông có đồng ý với quan điểm này?
PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh: Đúng như vậy, nền giáo dục - đào tạo đang được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm, có những chủ trương, chính sách mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả. Từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, Giáo dục ĐH được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh đổi mới phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ; nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ GV; tăng cường CSVC; đổi mới PP giảng dạy; thay đổi phương thức quản lý NCKH; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm hội nhập sâu rộng ở bậc giáo dục đại học. Trong 5 năm qua, Đảng bộ Trường ĐHSP Đà Nẵng đã lãnh đạo chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị về đào tạo mà Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ đề ra, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Hoạt động học thuật diễn ra ở Trường ngày càng sôi động, đa dạng.
P.V: Vậy, Đảng bộ Trường ĐHSP Đà Nẵng đã lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình như thế nào trong phát triển quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo?
PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh: Về phát triển quy mô đào tạo, ở Hệ đào tạo chính quy, căn cứ thực tế đội ngũ giảng viên, CSVC và quy định của Bộ GD&ĐT, Nhà trường xác định quy mô tuyển sinh hàng năm từ 1.650 đến 1.750 SV, giữ quy mô đào tạo của Nhà trường từ 6.000 đến 6.500 SV. Đây là quy mô đào tạo hợp lý đã đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của Trường. Điều này thể hiện rõ ở kết quả học tập và rèn luyện của SV trong những năm qua: tỉ lệ tốt nghiệp luôn giữ mức 86 - 96%; tốt nghiệp loại khá, giỏi và xuất sắc chiếm từ 85% trở lên; tỉ lệ SV đạt kết quả rèn luyện từ trung bình khá chiếm 99% .
Ở Hệ vừa làm vừa học, cùng với đào tạo chính quy, trong những năm từ 2010 đến 2014, Nhà trường rất chú trọng đào tạo hệ phi chính quy, đã không ngừng duy trì và mở rộng các mối liên kết với các trường ĐH, CĐ, TCCN, các TT GDTX trong nước nhằm phát triển hệ đào tạo VLVH. SV hệ VLVH của Trường thường xuyên duy trì số lượng từ 4.200 đến 5.600 SV; chất lượng đào tạo luôn được nâng cao và uy tín của Nhà trường được xã hội thừa nhận.
Trong tình hình mới, để đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn công tác đào tạo với nhu cầu xã hội tại các địa phương, Nhà trường đã rà soát lại các ngành đào tạo đại học thuộc khối sư phạm và khối cử nhân khoa học: Tách các ngành ghép ở hệ chính quy thành ngành đơn: Ngành Cử nhân Toán - Tin chuyển thành ngành Cử nhân Toán Ứng dụng (2011); ngành Cử nhân Sinh - Môi trường thành 2 ngành Cử nhân Quản lý tài nguyên - môi trường (2011) và Cử nhân Công nghệ Sinh học (bắt đầu từ năm 2012).
Song song với đó,để đảm bảo công tác đào tạo đúng hướng quy định của Chuẩn đầu ra và Chuẩn nghề nghiệp, Nhà trường đã định kỳ hiệu chỉnh Chương trình đào tạo hợp lý gắn với chuẩn nghề nghiệp và chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.
PGS.TS. Nguyễn Bảo Hoàng Thanh - Bí thư Đảng bộ, Hiệu Trưởng Trường Đại học Sư phạm
P.V:Ông có thể điểm lại một số thành tựu nổi bật của nhà trường về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong những năm qua?
PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh:
CNTT đã được ứng dụng vào quá trình dạy học; diễn đàn trao đổi thông tin giữa thầy và trò qua mạng đã được hình thành và phát huy hiệu quả. GV lên lớp đều có đề cương bài giảng cung cấp cho SV, xóa bỏ hoàn toàn việc dạy học theo kiểu đọc chép. Đề cương, bài giảng đã và đang được các GV đưa lên mạng (hiện đạt khoảng 60%). Số giáo trình được nghiệm thu tăng lên hàng năm. Từ năm 2010 đến nay đã có 29 giáo trình được đưa vào sử dụng.
Nhà trường đã tổ chức Hội nghị về đổi mới PP dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo và đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về đổi mới PPDH cho GV đồng thời cử GV tham gia các hội thảo về đổi mới PPDH, kiểm tra và đánh giá do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Từ năm học 2012 đến nay, Nhà trường đã tách khâu kiểm tra đánh giá ra khỏi khâu đào tạo; vận hành tốt công tác khảo thí, kiểm định trong Nhà trường, đảm bảo đánh giá kết quả học tập khách quan, khoa học và công bằng.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả GD toàn diện, nhà trường đã xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo, các học phần đào tạo, chuẩn đầu ra Tiếng Anh và Tin học cho tất cả các ngành đào tạo đại học; vận động CBVC và SV tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu xã hội” đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm túc các trường hợp vi phạm quy chế…
P.V: Thưa PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, trong giai đoạn hội nhập và phát triển thì tầm vóc, vị thế của một trường đại học còn thể hiện trong NCKH và Quan hệ doanh nghiệp…?
PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh:
NCKH được Nhà trường xác định là một trong hai nhiệm vụ chính của trường đại học và là một trong hai nhiệm vụ của GV. Do vậy, lãnh đạo Trường luôn đốc thúc, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho GV NCKH. Nhờ đó, trong 5 năm qua NCKH của CBGV Trường đạt thành quả lớn: Số lượng đề tài các cấp mỗi năm đều tăng vượt trội. Số bài báo khoa học của CBGV đăng trên các tạp chí khoa học và đăng ở các kỷ yếu hội nghị - hội thảo khoa học trong nước là 720 bài; đăng ở các tạp chí quốc tế là 118 bài.
Các công trình nghiên cứu của CBGV Nhà trường trong thời gian qua phần lớn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn giáo dục – đào tạo và đời sống sản xuất như: đổi mới SGK, đổi mới PP giảng dạy, chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô cho cây trồng cho các địa phương…
Nhiệm kỳ qua, Trường đã tổ chức, đăng cai tổ chức hoặc phối hợp tổ chức 9 hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế. Trong 5 năm qua, các khoa đã tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo khoa học có ý nghĩa khoa học và thiết thực trong hoạt động GDĐT.
Hoạt động NCKH SV được khuyến khích đẩy mạnh; số lượng đề tài và số SV tham gia hoạt động NCKH trong 5 năm qua tăng lên đáng kể.Hằng năm Trường còn gửi những đề tài NCKH có chất lượng tốt của SV tham gia và đạt những giải thưởng đáng khích lệ của cuộc thi Giải thưởng Tài năng KH trẻ của Bộ GD&ĐT.
Về Quan hệ doanh nghiệp
Năm 2011, Trường thành lập Trung tâm Hỗ trợ SV và Quan hệ doanh nghiệp; kiện toàn Trung tâm NCKH Xã hội và Nhân văn.Các trung tâm đã tích cực hoạt động, mở các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho SV, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Trung tâm Hỗ trợ SV và Quan hệ doanh nghiệp đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa với sự tham dự của hàng ngàn SV như: bồi dưỡng kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng, kỹ năng sử dụng laptop, kỹ năng hoạt động xã hội, tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn về kỹ năng mềm, kỹ năng thuyết trình, hỗ trợ tài chính cho SV học tin học, ngoại ngữ, về quê nghỉ Tết…; phối hợp với Phòng CTSV vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân hằng năm tặng hàng trăm suất học bổng với giá trị từ 400 – 500 triệu đồng cho SV xuất sắc, SV nghèo vượt khó.
P.V: Xin chúc mừng Đảng bộ Trường ĐHSP Đà Nẵng đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ vừa qua. Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ Nhà trường tiếp tục đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ như thế nào cho nhiệm kỳ 2015-2020, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh:
Trường ĐHSP xác định mục tiêu chiến lược là: phải phấn đấu vượt qua thách thức, tận dụng những thời cơ, vận hội mới để phát triển trở thành trường đại học nghiên cứu chất lượng cao, trình độ cao ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, góp phần tích cực xây dựng và phát triển ĐHĐN xứng tầm với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Với phương châm “Chủ động - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”, Mục tiêu của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 này là tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, khắc phục những tồn tại, hạn chế, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, tạo những bước đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, chất lượng đào tạo và NCKH, nâng cao vị thế và uy tín của Trường trong hệ thống GD đại học trong nước và trên thế giới.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông! Chúc Đại hội Đảng bộ lần thứ VII của Nhà trường thành công!