Đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh trong đào tạo

Thứ tư - 25/04/2018 20:00
CAĐN - Năm 2018 có nhiều thay đổi trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, đặc biệt là các trường đào tạo ngành sư phạm. Cùng đó là Dự thảo về chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTM) đang được Bộ GD-ĐT tiếp tục lấy ý kiến để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện trước khi thông qua, đã đặt ra nhiều vấn đề mang tính cấp bách cho các trường ĐH, CĐ đào tạo ngành sư phạm trong việc không ngừng tự đổi mới, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Đà Nẵng (ĐHSPĐN) xung quanh các vấn đề này.
m 078

P.V: Thưa PGS.TS, thời gian qua, dư luận xã hội cũng như giới chuyên môn  có nhiều ý kiến đóng góp xung quanh Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTM). Ông có nhận xét, đóng góp gì về dự thảo này?

PGS.TS Lưu Trang: Về chương trình GDPTM trước khi đưa lên hệ thống thông tin đại chúng để lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, ý kiến của cán bộ giảng viên, giáo viên khắp các vùng miền trong cả nước và đa số tán thành. Đây là chương trình phù hợp với yêu cầu đổi mới của nền giáo dục quốc gia, chú trọng phát triển năng lực HS, giảm tải nội dung tri thức hàn lâm, giảng dạy những kiến thức phổ thông phục vụ cuộc sống thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tăng cường khả năng tự học. HS được học tích hợp ở bậc Tiểu học, THCS, để sẵn sàng phân luồng sau chương trình phổ thông cơ bản (THCS). Ở bậc THCS, HS có thể tiếp tục học lên THPT theo hướng hàn lâm để vào ĐH hoặc theo hướng nghề nghiệp. Với mục tiêu xây dựng chương trình GDPT như thế, tôi cho rằng xã hội sẽ đồng tình để Bộ GD-ĐT ban hành thực hiện các bước tiếp theo để chương trình GDPTM đi vào thực tiễn.

P.V: Nhằm "đón đầu" để khi SV tốt nghiệp ra trường có thể dạy được ngay chương trình mới nếu được thông qua, Trường ĐHSP Đà Nẵng đã có phương án, kế hoạch gì trong chương trình đào tạo của mình?

PGS.TS Lưu Trang: Với chương trình GDPTM, yêu cầu mới đối với GV không ít. Ngoài việc đổi mới phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, chuẩn bị những kiến thức mới cập nhật hiện đại và phục vụ thiết thực cuộc sống, GV còn phải chuẩn bị giảng dạy theo hướng tích hợp ở các bậc học Tiểu học và THCS, giảng dạy theo dạng chủ đề ở bậc THPT. Với những yêu cầu đó, các Trường ĐHSP, nhất là Trường ĐHSP trọng điểm như chúng tôi vừa phải có trách nhiệm, vừa chủ động chuẩn bị mọi mặt cho việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ GV các cấp bậc học phổ thông. Chúng tôi đã, đang phối hợp với các trường SP trọng điểm để thống nhất chương trình bồi dưỡng GV đang đứng lớp theo yêu cầu từng môn, từng cấp học. Đặc biệt là chú trọng xây dựng chương trình bồi dưỡng cho GV dạy các môn tích hợp, các môn mới, hay dạy các hoạt động mới như trải nghiệm sáng tạo. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình đào tạo GV đáp ứng chương trình GDPTM  cũng được đặt ra cấp bách. Việc đào tạo đội ngũ GV này sẽ được thực hiện ngay từ năm học 2018-2019, để đến năm 2022 có đội ngũ GV thực hiện chương trình GDPTM.

P.V: 2018 được xem là năm có nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh đối với các trường có đào tạo ngành SP, đặc biệt quy định ngưỡng đầu vào nhằm đảm bảo chất lượng. Ông có nhận xét gì về sự đổi mới này?

PGS.TS Lưu Trang: Năm 2018, Bộ GD-ĐT có nhiều điều chỉnh về tuyển sinh ĐH, CĐ. Đối với tuyển sinh vào trường SP có 2 điểm quan trọng. Đó là, Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì điểm sàn vào các ngành, trường đào tạo GV để đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào. Trong khi đó bỏ qui định điểm sàn chung trong xét tuyển vào ĐH, CĐ vào tất cả các ngành khác. Điểm thứ hai là việc xét tuyển bằng học bạ vào học ở các trường đào tạo GV, thí sinh phải đạt loại giỏi về học lực mới được xem xét. Với những điểm mới này, tôi cho rằng sẽ có 3 khó khăn về tuyển sinh cho các trường đào tạo GV. Đó là: Thí sinh có học lực trung bình, khá, kể cả một bộ phận giỏi sẽ e ngại nộp hồ sơ vào các ngành, trường đào tạo GV; việc làm cho SV Sư phạm ra trường chưa thật sự được đảm bảo; cơ hội tăng nguồn thu nhập của GV không đồng đều và thấp. Với những khó khăn đó, nhiều người dự đoán năm 2018 số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào các ngành đào tạo GV sẽ thấp.

Tuy nhiên, theo tôi, với những điều chỉnh này sẽ là điều kiện để các Trường SP nâng cao chất lượng đào tạo; tăng năng lực cạnh tranh để chọn được những HS tốt, giỏi vào học; việc miễn học phí dành cho SV SP vẫn được tiếp tục; việc đổi mới chương trình GDPT cũng là lợi thế cho SV SP sắp tới; việc xếp lương GV vào bậc cao nhất chắc chắn sẽ thành hiện thực trong thời gian tới. Theo chúng tôi, nếu các SV vào học SP để ra trường năm 2022 ở các Trường SP trọng điểm (trong đó có ĐHSP Đà Nẵng) là cơ hội có việc làm tốt, bởi đây là lứa GV đầu thực hiện chương trình GDPTM và được tuyển dụng theo nhu cầu của các địa phương. Chính vì thế, những thí sinh khôn ngoan, đi ngược lại với nhiều người trong giai đoạn này sẽ rất dễ thành công.      

P.V: Năm 2018, dự kiến tổng chỉ tiêu xét tuyển của trường ĐHSP Đà Nẵng là hơn 2.600. Trong đó, riêng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào học bạ là 470 (năm 2017 chỉ có 30 chỉ tiêu cho ngành đào tạo SP Âm nhạc). Liệu có quá nhiều khi thực tế nhiều SV SP ra trường hiện chưa xin được việc làm?

PGS.TS Lưu Trang: ĐHSP Đà Nẵng là trường đa ngành, đào tạo trình độ từ ĐH đến Tiến sĩ. Trong tổng số 34 mã ngành đào tạo ĐH của trường, chỉ có 13 ngành đào tạo GV. Do nhu cầu xã hội và yêu cầu cắt giảm chỉ tiêu hàng năm của Bộ GD-ĐT, năm 2017, tổng số SV vào học các ngành SP là 444 SV, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% so với tổng số SV được tuyển của Trường là 2.250. Năm 2018, tổng chỉ tiêu của Trường là 2.634, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành SP cũng tương tự như năm 2017, hơn 2.000 chỉ tiêu còn lại là các ngành Cử nhân khoa học và các lĩnh vực khác. Đây là những ngành khoa học cơ bản và ứng dụng nền tảng thiết thực, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0. Đa số các ngành Cử nhân khoa học đó đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội, nên việc làm với SV học những ngành này khá rộng và dễ. Thêm vào đó, SV của trường được học liên ngành, liên bậc, có thể học cùng lúc 2 chương trình chính qui với các trường thành viên thuộc ĐHĐN.

Thêm nữa, Trường ĐHSP Đà Nẵng là trường được kiểm định đầu tiên đạt chuẩn chất lượng giáo dục, được đánh giá năng lực phát triển các trường SP (TEIDI) và là trường được Bộ GD-ĐT công nhận là trường SP trọng điểm quốc gia, được phép duy trì và tăng chỉ tiêu đào tạo theo qui định về số lượng đội ngũ và cơ sở vật chất đối với cơ sở đào tạo của Bộ GD-ĐT. Với tổng chỉ tiêu trên, so với nhiều cơ sở đào tạo khác là không lớn. Để tạo điều kiện cho HS có học lực tốt, cũng như tạo thuận lợi cho những ngành đặc thù, năm nay chúng tôi xét tuyển bằng học bạ số lượng 470/2.634 thí sinh vào trường. Đây là chủ trương mang tính nhân văn cần thiết nhằm tạo cơ hội học tập cho các đối tượng học sinh.

P.V: Với người thầy, ngoài chuyên môn phải vững và giỏi, đạo đức nhà giáo vô cùng quan trọng. Trong thời đại có nhiều tác động cả tích cực lẫn tiêu cực hiện nay, phải chăng áp lực mà các trường ĐH SP nói chung, ĐHSP Đà Nẵng nói riêng trong việc đào tạo cho xã hội đội ngũ giáo viên "vừa hồng, vừa chuyên" là rất lớn?

PGS.TS Lưu Trang: Đúng là thực tế xã hội hiện nay ý thức công dân, đạo đức xã hội nổi lên một số vấn đề cần quan tâm chấn chỉnh. Việc đào tạo nhà giáo nói riêng, đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH nói chung cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp. Với Trường ĐHSP Đà Nẵng, việc giáo dục phẩm chất nghề nghiệp cho SV được đặc biệt quan tâm, vừa giáo dục đạo đức theo phương pháp truyền thống, vừa áp dụng những phương thức mới đa dạng, thiết thực và hiệu quả, với sự vào cuộc không chỉ của các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội SV mà còn là việc của các tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền từ cấp khoa đến Trường; là việc của từng giảng viên đứng lớp, nhất là giảng viên chủ nhiệm lớp. Mỗi SV được quan tâm sâu sát, được chăm sóc chu đáo về tư tưởng, đạo đức và lối sống ở môi trường SP. Nhờ đó mà ngày nay nhiều người đánh giá SV Trường ĐHSP Đà Nẵng "hiền". Ý muốn nói là sống nghiêm túc, đàng hoàng, mô phạm.

P.V: Xin cảm ơn PGS. TS về cuộc trao đổi!

Tác giả bài viết: P.THỦY - Báo Công an Đà Nẵng(thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây