Sôi nổi hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2025

Thứ sáu - 23/05/2025 20:35
Trong hai ngày 21 và 22/5, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã tổ chức các phiên bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ xét chọn và vinh danh các công trình nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên năm 2025.
Năm 2025, có 20 đề tài xuất sắc của 20 tác giả/ nhóm tác giả được tuyển chọn từ vòng cấp Khoa để bước vào vòng xét chọn cấp Trường. Trong đó, 5 đề tài thuộc lĩnh vực Khoa học Giáo dục, 8 đề tài thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và 7 đề tài thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhà trường đã thành lập 3 hội đồng xét chọn tương ứng với 3 nhóm lĩnh vực nhằm đảm bảo tính chuyên sâu, công bằng và khách quan trong quá trình đánh giá.
z6632176647738 2f7c4a199384da872eb86947a2279513
Tác giả các công trình nghiên cứu lĩnh vực Khoa học Giáo dục
chụp ảnh lưu niệm cùng thầy cô Hội đồng tại phiên bảo vệ.
Đánh giá về chất lượng các công trình, TS. Trần Thị Yến Minh, thành viên Hội đồng lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, các đề tài năm nay đều có nội hàm khoa học tốt, tính ứng dụng cao và khả năng triển khai vào thực tiễn như quảng bá du lịch, xây dựng trường học thân thiện hay phát triển truyền thông bền vững.
z6626706856762 b49212cf279eaf8dbcb13526aca4100a
TS. Trần Thị Yến Minh phát biểu phản biện tại phiên bảo vệ.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Phạm Quý Mười, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tự nhiên nhấn mạnh: “Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên năm nay cho thấy nhiều điểm sáng đáng ghi nhận, phản ánh sự đầu tư nghiêm túc và tinh thần học thuật vững vàng của người học. Trước hết, đa số đề tài đều mang tính cấp thiết và thực tiễn cao, tập trung vào những vấn đề thời sự như ô nhiễm môi trường (vi nhựa, hiện tượng tảo nở hoa), kháng kháng sinh ở vi khuẩn, an toàn thực phẩm, cũng như phát triển vật liệu sinh học thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các đề tài thuộc lĩnh vực toán học cơ bản dù nghiêng về lý thuyết nhưng lại thể hiện rõ định hướng nghiên cứu chuyên sâu, góp phần làm phong phú nền tảng học thuật của nhà trường”.
z6632176628162 aab667961205d242cb5984948112b9d6
PGS.TS. Phạm Quý Mười, Chủ tịch Hội động xét chọn công trình nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường
lĩnh vực Khoa học Tự nhiên.
Các thành viên Hội đồng cũng khẳng định, các đề tài năm nay cho thấy sự đa dạng đáng khích lệ, trải rộng từ khoa học tự nhiên (sinh học, hóa học, toán học) đến các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như tính toán lượng tử, viễn thám vệ tinh, công nghệ nano. Nhiều nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn kết hợp kiến thức liên ngành, chẳng hạn như sinh học – dược học, môi trường – công nghệ viễn thám, hoặc toán học – vật lý, tạo nên những hướng tiếp cận mới mẻ và có tiềm năng ứng dụng cao. Đặc biệt, sinh viên đã thể hiện khả năng vận dụng thành thạo các phương pháp nghiên cứu hiện đại, sử dụng hiệu quả các phần mềm và công cụ chuyên dụng như Qiskit, Google Earth Engine, phần mềm R, máy phổ UV-Vis, XRD, TEM,… Các kết quả nghiên cứu được trình bày rõ ràng, có hệ thống, minh họa bằng số liệu, hình ảnh, bảng biểu cụ thể, cho thấy tính chuyên nghiệp trong cách tổ chức và báo cáo đề tài.
Đáng chú ý, một số đề tài đã đạt đến chất lượng công bố khoa học, với nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước có uy tín. Đặc biệt, có một đề tài đã công bố tới năm bài báo khoa học, trong đó có một bài thuộc danh mục Scopus – Q1, thể hiện năng lực nghiên cứu vượt trội và tiềm năng phát triển học thuật lâu dài.
KH GD
Sinh viên bảo vệ đề tài trước Hội đồng Khoa học Giáo dục.
Đề tài “Ứng dụng AI thiết kế video phục vụ dạy học văn bản thơ cho học sinh lớp 3 (Theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống)” là một trong 5 đề tài thuộc lĩnh vực Khoa học Giáo dục được lọt vào vòng xét chọn cấp Trường năm nay. Chia sẻ về cảm hứng thực hiện đề tài, nhóm sinh viên đến từ Khoa Giáo dục Tiểu học – Mầm non cho biết, xuất phát từ thực tế khó khăn trong việc dạy học thơ ở bậc tiểu học – một thể loại văn học giàu cảm xúc và hình ảnh – nhóm đã đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thiết kế học liệu số hỗ trợ dạy học môn Tiếng Việt theo hướng trực quan và cá nhân hóa. Đề tài không chỉ mang ý nghĩa lý luận trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy mà còn có giá trị thực tiễn khi hỗ trợ giáo viên trong việc tiếp cận công nghệ giáo dục hiện đại.
Chia sẻ sau buổi bảo vệ, nhóm tác giả cho biết, các phản biện từ Hội đồng đã giúp nhóm định hình rõ hơn định hướng phát triển đề tài, đặc biệt là trong việc đánh giá hiệu quả triển khai trong thực tế lớp học. Các thầy cô cũng đưa ra những góp ý sâu sắc về mặt thẩm mỹ, tính mở trong tiếp nhận văn học và khả năng gợi mở hình ảnh qua video minh họa. Những đóng góp này không chỉ giúp nhóm hoàn thiện đề tài mà còn mở ra nhiều ý tưởng sáng tạo cho các nghiên cứu giáo dục tiếp theo.
Bên cạnh đó, đề tài “Thiết kế, tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM chủ đề 'Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp” trong dạy học Chuyên đề “Mở đầu về điện tử học – Vật lí 11” cũng thu hút sự chú ý của Hội đồng chuyên môn và người tham dự. Theo chia sẻ của nhóm tác giả, đề tài ra đời từ thực tế giáo dục STEM trong nhà trường hiện còn mang tính hình thức, chưa gắn bó chặt chẽ với thực tiễn sản xuất và đời sống. Từ đó, nhóm đề xuất mô hình trải nghiệm STEM mới, gắn với việc giải quyết các vấn đề thực tế.
Lấy cảm hứng từ cách mạng công nghiệp 4.0, nhóm đã tích hợp các công nghệ như IoT, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa vào các sản phẩm học tập để giúp học sinh phát triển năng lực vật lí qua trải nghiệm thực tế. Trong quá trình thực hiện, nhóm đã vượt qua nhiều thử thách như tìm kiếm địa điểm khảo sát, chế tạo thiết bị công nghệ, và thực hiện thực nghiệm sư phạm tại một nông trại ở huyện Hòa Vang. Đề tài không chỉ là thành quả nghiên cứu mà còn mở ra một dự án giáo dục STEM ứng dụng công nghệ cao mà nhóm đang ấp ủ triển khai trong tương lai gần.
Nhom Thanh Truc
Nhóm tác giả đề tài “Thiết kế, tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM chủ đề 'Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp”
 trong dạy học Chuyên đề “Mở đầu về điện tử học – Vật lí 11”.
HD TNXH
Hội động xét chọn công trình nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường
lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Các công trình đạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường sẽ được công bố và trao giải tại Ngày hội Khoa học và Đổi mới Sáng tạo 2025, diễn ra vào ngày 28/5/2025 tới đây. Hy vọng, những thành công của các đề tài, công trình nghiên cứu năm nay sẽ tiếp tục đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Nhà trường. Qua đó, khẳng định vai trò của sinh viên không chỉ là người học mà còn là những người sáng tạo tri thức, đồng hành cùng Nhà trường trong sứ mệnh nghiên cứu, đổi mới và phát triển khoa học vì cộng đồng.
 
Bích Thuỷ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây