Có những hành động đẹp tưởng như rất nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa và có sức lan tỏa lớn lao. Giống như việc “Nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất” đã trở thành một nét văn hóa nhân văn, rất đáng tự hào tại UED.
Ngày 18/3 vừa qua, Ban Quản lý (BQL) ký túc xá, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tiếp nhận một chiếc điện thoại từ bạn Phạm Hồng Huệ, sinh viên lớp 21STH5, Khoa Giáo dục Tiểu học mang đến, nhờ thầy cô đăng tin, tìm người bị mất. Huệ cho biết, chiếc điện thoại này do một bạn nam nhặt được tại ghế đá, cạnh hồ sen. Do đang vội nên bạn nam đưa điện thoại cho Huệ và nhờ em tìm cách trả lại cho người bị mất. Ngay sau khi đăng thông báo, chủ nhân của chiếc điện thoại là bạn Trần Thị Thảo, sinh viên lớp 23CTL2 đã đến nhận lại. Thảo cho biết, điện thoại này là quà tặng sinh nhật mà anh trai vừa tặng. Giá trị điện thoại khoảng 8 triệu đồng, nhưng quan trọng hơn cả là bên trong lưu giữ nhiều thông tin quan trọng và là món quà mà Thảo đặc biệt rất quý trọng. Vì vậy, khi nhận lại được điện thoại, Thảo rất vui và đã chủ động liên lạc, tìm gặp để cảm ơn bạn Hồng Huệ và bạn nam sinh viên nhặt được điện thoại. Trước đó, chiều tối ngày 24/10/2023, trong lúc quét dọn vệ sinh ở khu vực gần sân bóng đá của Trường, cô Huỳnh Thị Y, nhân viên tạp vụ ký túc xá có nhặt được một chiếc ví, trong đó có số tiền lớn cùng nhiều giấy tờ tùy thân ghi tên một lưu học sinh Lào. Ngay sau đó, cô Y đã nhanh chóng liên hệ với BQL ký túc xá để nhờ tìm lại chủ nhân cho chiếc ví.
Các cô nhân viên phục vụ giảng đường B3 cũng thường xuyên nhặt được tài sản bỏ quên của sinh viên, các tài sản này đều được thông báo rộng rãi để tìm người đánh mất. Những hành động đẹp luôn được lan tỏa trong Nhà trường thúc đẩy những người xung quanh cũng hành động tương tự.
Có thể nói, “Nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất” đã trở thành một thói quen, một nét văn hóa rất đẹp tại UED. Mỗi ngày, trên các nhóm, trang thông báo nội bộ của Trường thường xuất hiện những bản tin rất đặc biệt. Đó là những hình ảnh thông báo tìm chủ nhân của những món đồ không may bị mất với cách thể hiện cũng rất ấn tượng và nhân văn.
Trong số những món đồ bị mất và được trả lại, có thể có những thứ không mang giá trị lớn về vật chất, nhưng đặc biệt có ý nghĩa to lớn với người không may làm mất nó. Đáng trân trọng hơn là mỗi hành động đẹp ấy đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong Nhà trường và xã hội, để mỗi cá nhân, mỗi thành viên tại UED cùng góp nhặt, xây dựng nên một Nhà trường hạnh phúc.