Hội thảo khoa học Phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh TP. Đà Nẵng
Thứ sáu - 28/07/2023 18:06
Ngày 28-7, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức Hội thảo khoa học “Chương trình giáo dục Phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh TP. Đà Nẵng”.
Tham dự hội thảo có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng, PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN; đại diện lãnh đạo và giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục; các thầy cô giáo đến từ các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các nhà khoa học, học giả, sinh viên quan tâm.
Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp thành phố: "Xây dựng chương trình giáo dục phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh thành phố Đà Nẵng” do TS. Hoàng Thế Hải - Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN chủ trì thực hiện.
Báo cáo đề dẫn của TS. Hoàng Thế Hải tại hội thảo cho biết: bắt nạt học đường đang trở thành vấn nạn nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Kết quả khảo sát, nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài cho thấy, có đến 95,9% học sinh tham gia khảo sát đã từng bị bắt nạt và 78,4% học sinh đã từng thực hiện hành vi bắt nạt bạn khác (kết quả khảo sát với 1.600 học sinh tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng). Vấn nạn bắt nạt học đường đã để lại những hậu quả đau lòng cho xã hội và gây ảnh hưởng nặng nề tới cả thể chất và tinh thần đối với nạn nhân bị bắt nạt, thủ phạm bị bắt nạt và cả những người chứng kiến.
Đề tài “Xây dựng chương trình giáo dục phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh thành phố Đà Nẵng” được thực hiện nhằm xây dựng những luận cứ dựa trên thực chứng của TP. Đà Nẵng về mức độ của bắt nạt học đường, các yếu tố ảnh hưởng đến bắt nạt học đường, kỹ năng ứng phó với bắt nạt học đường của học sinh và các hoạt động giáo dục phòng chống bắt nạt học đường tổ chức cho học sinh. Mục tiêu tổng thể của đề tài là cung cấp thông tin cho việc xây dựng và triển khai những hoạt động giáo dục trong tương lai nhằm giải quyết thực trạng bắt nạt học đường, tạo nên môi trường học đường an toàn, hạnh phúc.
Các tham luận và phát biểu trao đổi tại hội thảo đều khẳng định tính thiết thực của đề tài trong tình hình xã hội hiện nay. PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN cho rằng: đề tài nên mở rộng và có sự quan tâm hơn đến cả nhóm đối tượng bắt nạt học đường, đồng thời cần đưa ra các phương án tích hợp nội dung giáo dục vào chương trình dạy học trong từng cấp học để có thể triển khai thực hiện một cách thuận lợi.
Làm thế nào để triển khai thực hiện đề tài một cách hiệu quả trong các trường học cũng là vấn đề được hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo quan tâm thảo luận. Một số thầy cô giáo đề xuất: Tổ chức tập huấn cho giáo viên trước khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh; Nên triển khai thí điểm các hoạt động phòng chống bắt nạt học đường tại một số trường phổ thông để rút kinh nghiệm trước khi thực hiện đại trà trên toàn thành phố; Phải có giải pháp để triển khai nội dung chương trình vào chường trình học của tất cả các khối lớp, các cấp học một cách phù hợp và lâu dài…
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng đánh giá cao những nỗ lực của nhóm thực hiện đề tài, đồng thời hy vọng đại diện các trường phổ thông, các nhà khoa học tiếp tục hỗ trợ nhóm tác giả để đề tài sớm được nghiệm thu và áp dụng triển khai vào thực tiễn.