Hội thảo khoa học Quốc gia: “Đào tạo giáo viên tiểu học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông”

Thứ bảy - 01/07/2023 12:36
Ngày 30/6, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đào tạo Giáo viên tiểu học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông”. Hội thảo nhằm công bố những kết quả nghiên cứu mới, đưa ra các kiến nghị, đề xuất về mô hình và giải pháp đổi mới đào tạo giáo viên tiểu học trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.
        Đại biểu tham dự hội thảo có PGS.TS. Huỳnh Trọng Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT – Trường Đại học Đồng Tháp; TS. Cao Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang; GS.TS. Lê Phương Nga, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS.TS. Chu Thị Thủy An, Trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Sư phạm thuộc Trường Đại học Vinh.
          Về phía Đại học Đà Nẵng có sự tham dự của: PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng; TS. Nguyễn Thành Đạt, Phó trưởng Ban, Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường;
Về phía Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN có PGS.TS. Lưu Trang, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Bùi Bích Hạnh, Phó Hiệu trưởng cùng các thầy cô là lãnh đạo các Khoa, Phòng, Trung tâm, Tổ thuộc và trực thuộc Trường.
        Đặc biệt Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu là các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý giáo dục, các tổ chức giáo dục và các trường tiểu học trên cả nước.
Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đào tạo Giáo viên tiểu học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông” được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN.
        Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng – Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho biết: Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đào tạo Giáo viên tiểu học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông” được Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN tổ chức dựa trên thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng, trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang không ngừng phải vận động và phát triển theo xu hướng đổi mới. Hội thảo hướng đến mục tiêu tạo ra diễn đàn để các cơ sở giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học công bố những kết quả nghiên cứu mới; trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo giáo viên tiểu học và cả kinh nghiệm công tác quản lí giáo dục.
PGS.TS. Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc
        PGS. TS. Lưu Trang nhấn mạnh, Giáo dục Tiểu học - một phần rất quan trọng trong hệ thống giáo dục Quốc gia, đang đứng trước những tình huống rất cần được quan tâm, giải quyết – có thể dự phần trong lộ trình phát triển, đổi mới được chất lượng giáo dục Việt Nam. Phản chiếu từ thực tiễn, nhiều vấn đề của giáo dục tiểu học Việt Nam đã bộc lộ những điểm đáng bàn, đáng suy nghĩ. Chính vì vậy, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học đứng trên nhiều điểm nhìn tham chiếu từ lí luận đến thực tiễn quốc gia và kinh nghiệm quốc tế đổi mới loại hình giáo dục này trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Từ đó cùng đối thoại về những vấn đề mới của giáo dục tiểu học và cả những vấn đề mới trong giáo dục đại học Việt Nam trong xu thế giáo dục số, toàn cầu hóa và hội nhập. Đồng thời, sự chung tay của các nhà khoa học tại hội thảo, với những kết quả mới được thể hiện qua các tham luận và những ý kiến đóng góp, phản biện về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học và tiếp tục khẳng định vị thế trong lĩnh vực khoa học công nghệ của mình, không chỉ trong ĐHĐN mà còn giữa các trường đại học trong nước và quốc tế. 
Hội thảo được điều hành bởi Đoàn Chủ tịch, gồm: PGS.TS. Nguyễn Văn Đệ, Trường Đại học Đồng Tháp; GS.TS. Lê Phương Nga,
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và TS. Hoàng Nam Hải, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.
        Ban Tổ chức đã nhận được gần 80 bài báo của hơn 100 tác giả là các nhà khoa học, thầy cô giáo đến từ các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu trên toàn quốc. Tất cả các bài báo đều được Ban Tổ chức mời các nhà khoa học uy tín phản biện và nhận được sự đánh giá cao về mặt chất lượng. Đó đều là những góp ý khách quan, xác đáng trên tinh thần vì khoa học. Ban Tổ chức đã chọn 38 bài báo (chiếm tỉ lệ 48,9%) để đăng trong kỷ yếu hội thảo có mã số chuẩn quốc tế (ISBN). PGS.TS. Lưu Trang – Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho rằng “đây là một con số tự thân “biết nói”với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong đó, có sự khẳng định cho một hội thảo được bình duyệt khoa học nghiêm túc, khách quan; thể hiện cả tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các nhà khoa học tham gia phản biện; có sự tâm huyết của những người làm khoa học”.
 Ban Tổ chức đã chọn 15 bài viết để trình bày tại hội thảo, trong đó có 03 báo cáo trình bày tại phiên toàn thể và 12 báo cáo trình bày tại 02 tiểu ban.
Phần trình bày “truyền cảm hứng” của GS.TS. Lê Phương Nga, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với nội dung “Chân dung người giáo viên dạy Tiếng Việt trong giai đoạn mới”
TS. Lê Thị Thanh Tịnh, Trường Đại học Sư phạm –ĐHĐN trình bày báo cáo “Đánh giá tích hợp về STEM trong bối cảnh giáo dục đương đại: các năng lực cốt lõi và phương pháp tiếp cận”
Nhóm tác giả đến từ tổ chức VVOB Vietnam
 với phần trình bày “Học thông qua chơi”.
        Hội thảo đã diễn ra trong không khí trao đổi cởi mở, thẳng thắn. Các đại biểu  lần lượt nghe báo cáo và thảo luận xoay quanh các nội dung về: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về mô hình đào tạo, chuyển đổi số trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiểu học; Chương trình đào tạo, phát triển chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiểu học trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học, kiểm tra đánh giá trong đào tạo giáo viên tiểu học hiện nay; Đổi mới công tác thực tập sư phạm trong đào tạo giáo viên tiểu học. 
Ban Tổ chức Hội thảo tặng hoa chúc mừng các nhà khoa học.
 
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo.
        Hội thảo đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao lưu giữa Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN với các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu trong tương lai.
        Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đào tạo giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông”, TS. Hoàng Nam Hải, Trưởng khoa Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN cho biết, Hội thảo đã nhận được rất nhiều kết quả nghiên cứu phong phú, trải rộng trên nhiều lĩnh vực mà giáo dục phổ thông cũng như các trường sư phạm đang quan tâm, chuyển mình.

     Nhiều nhóm tác giả đã tập trung nghiên cứu xung quanh trục phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên tiểu học nói riêng. Điển hình là các bài nghiên cứu về: Chân dung người giáo viên dạy Tiếng Việt tiểu học trong giai đoạn mới; Năng lực nghề nghiệp của giáo viên tiểu học trong bối cảnh đổi mới Giáo dục Phổ thông; Năng lực dạy học STEM; Năng lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm…  Từ đó đã cho thấy những góc nhìn đa chiều về chân dung người giáo viên trong một giai đoạn mới.
    Các hình thức dạy học phù hợp với định hướng trong Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 cũng được đề cập khá phong phú thông qua các kết quả nghiên cứu: “Một số nghiên cứu tổng quan tích hợp về các năng lực cốt lõi và phương pháp tiếp cận giáo dục STEM trong bối cảnh giáo dục đương đại”; “Tổ chức dạy học tích hợp”; Năng lực dạy học tích hợp; Năng lực dạy học Dự án; Học thông qua chơi…  Đây đều là những vấn đề khá mới, hấp dẫn, giúp người học từng bước hình thành và phát triển các năng lực liên môn. Đặc biệt, năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo, làm cho việc học đối với các em ngày càng có ý nghĩa và hứng thú hơn.
    Một vấn đề khác được nhiều nhà khoa học đề cập đến trong các bài viết gửi về Hội thảo, đó là việc phát triển năng lực dạy học tiếng Việt cho các nhà giáo tương lai. Nhiều tác giả cho rằng, nâng cao năng lực, phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh là yêu cầu cấp bách, quyết định sự thành công của CTGDPT. Từ đó, các tác giả đã đề xuất cách thức xây dựng kế hoạch phát triển chương trình môn Tiếng Việt theo tiếp cận năng lực.
     Các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Vinh và Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN, cùng quan điểm cho rằng: để nâng cao được năng lực dạy học môn Tiếng Việt, môn Toán cho sinh viên Ngành Giáo dục Tiểu học, cần tổ chức triển khai cho sinh viên sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Các tác giả cũng đề ra một số biện pháp tổ chức cho sinh viên thực hành, trải nghiệm hình thức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Đây là một hướng đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn ở các trường tiểu học, hình thức này cho thấy năng lực chuyên môn, nghề nghiệp của sinh viên được phát triển tốt, nếu khai thác hiệu quả hoạt động này.
     Ban Tổ chức Hội thảo cũng nhận được những bài viết cho thấy cái nhìn đa chiều từ việc chuyển đổi số trong đào tạo giáo viên, sử dụng Blended Learning trong bồi dưỡng giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, vấn đề rèn luyện kĩ năng sư phạm, kĩ năng mềm cho sinh viên Ngành Giáo dục Tiểu học thông qua thực tập sư phạm, thông qua môn học được đông đảo các nhà giáo quan tâm. Với mục tiêu “trưởng thành toàn diện”, nhóm tác giả của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đề xuất mô hình tổ chức thực tập sư phạm thường xuyên tại trường phổ thông, bắt đầu từ cuối năm nhất đến năm 4. Nhiều nhà khoa học cũng quan tâm đến phát triển kĩ năng mềm, kĩ năng quản lí lớp học, kĩ năng lập kế hoạch bài dạy cho sinh viên Ngành Giáo dục Tiểu học. Nhóm tác giả đến từ Trường tiểu học và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh còn có những so sánh về dạy học Khoa học ở Việt Nam và Nhật Bản, để thấy được sự đổi mới khá tương đồng giữa nước ta với nền giáo dục có thể nói là tiên tiến trên thế giới, để mỗi thầy cô giáo vững tin hơn với sự nghiệp đổi mới, chấn hưng giáo dục nước nhà.
        TS. Hoàng Nam Hải cho biết thêm, tại Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN, Chương trình Giáo dục Tiểu học nói riêng và sư phạm nói chung đã được rà soát, cải tiến rất bài bản, công phu. Rất nhiều chương trình đã được kiểm định AUN, kiểm định đánh giá ngoài trong nước theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Có thể nói đây là công cuộc “đại phẩu” rất thành công của Nhà trường.

Một số hình ảnh tại Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đào tạo giáo viên tiểu học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông”:
BÍCH THỦY - THẾ HƯNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây