PGS Võ Văn Minh: Tiến sĩ để làm khoa học chứ không phải để thăng quan tiến chức

Thứ năm - 29/07/2021 14:55

PGS Võ Văn Minh: Tiến sĩ để làm khoa học chứ không phải để thăng quan tiến chức

GDVN- Đào tạo tiến sĩ thực chất là đào tạo ra những người có năng lực nghiên cứu độc lập, để “hành nghề” chứ không phải để “có danh” hay để “thăng quan tiến chức".

"Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội...." luôn được Đảng và Nhà nước khẳng định trong văn kiện từ trước đến nay. Nhưng trong thực tế, các lĩnh vực trên chưa bao giờ thực sự “hàng đầu” đúng như kỳ vọng. Thậm chí còn có rất nhiều góc nhìn khác biệt. Và sẽ khó tìm được điểm chung, nếu không xem xét từ gốc rễ vấn đề.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo tiến sĩ, với việc bỏ quy định bắt buộc “công bố quốc tế”. Ngay lập tức tranh luận gay gắt đã diễn ra. Tất cả các ý kiến dù thuận hay nghịch đều mong muốn hướng đến mục tiêu “học thật, nhân tài thật”. Tuy nhiên, có lẽ sự khác nhau căn bản cũng bắt đầu từ chữ “thật”.

Một bên mong đợi, tiến sĩ “ra lò” phải thật sự có năng lực nghiên cứu khoa học, phải tiếp cận chuẩn mực quốc tế ở bậc cao, tức là phải có sản phẩm công bố trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus). Một bên mong muốn, tiến sĩ “thật” ở chỗ là nghiên cứu và công bố đúng với thực tế, không còn chuyện “quá sức” để phải sử dụng “chiêu trò mua bán” bài báo làm điều kiện để bảo vệ luận án tiến sĩ.

Thế nhưng điều đáng nói là có người bảo vệ quan điểm đến mức cực đoan. Chẳng hạn cho rằng “Chỉ có một số lĩnh vực nghiên cứu của các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa... là mang tính quốc tế ở mức độ cao dẫn đến tình trạng chen chân, thuê người viết. Trong khi lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, trong nghiên cứu, không thể tách khỏi những đặc điểm xã hội, văn hóa và chính trị của từng quốc gia, người nghiên cứu gần như không có cơ hội đăng tải trên tạp chí quốc tế. Vì vậy, việc buộc những nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh đưa kết quả nghiên cứu ra nước ngoài công bố cần xem xét lại vì nó không phục vụ gì nhiều cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” và “lãng phí tài nguyên…” . Theo tôi, quan điểm trên cần phải xem xét lại một cách căn bản.

Bắt đầu từ nhận thức…

Trước hết, cần khẳng định rằng, khoa học thực chất là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Còn “nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn”.

rrrtrr
 

Ảnh minh họa: An Nguyên

Kết quả nghiên cứu cần công bố trên các tạp chí khoa học - diễn đàn của những nhà chuyên môn. Ở đó, các bản thảo được xem xét, phản biện, đánh giá và nếu được xác định có giá trị cho khoa học thì được công bố. Những bài báo này sẽ trở thành tài liệu để những người nghiên cứu sau tham khảo, phân tích tìm ra các giả thuyết mới, hướng tiếp cận mới…

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều tạp chí khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chất lượng của các tạp chí được đánh giá chủ yếu dựa vào quy trình kiểm duyệt để đăng bài, chỉ số trích dẫn,… Các tạp chí khoa học được cộng đồng khoa học đánh giá uy tín là các tạp chí nằm trong danh mục Scopus và WoS (trước đây gọi là ISI).

Quy chế mới đào tạo tiến sĩ đã không tiến bộ lại còn giảm "chuẩn"
Quy chế mới đào tạo tiến sĩ đã không tiến bộ lại còn giảm "chuẩn"

Đào tạo tiến sĩ thực chất là đào tạo ra những người có năng lực nghiên cứu độc lập, để “hành nghề” nghiên cứu khoa học chứ không phải để “có danh” hay để “thăng quan tiến chức”. Là người có năng lực nghiên cứu, trước hết phải có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực đó, có phương pháp luận, có khả năng phát hiện vấn đề, tổ chức nghiên cứu, diễn đạt và công bố kết quả nghiên cứu.

Trong giai đoạn hiện nay, để đạt những tiêu chí trên, nghiên cứu sinh cần phải có trình độ ngoại ngữ mà chủ yếu là tiếng Anh để phân tích những thông tin khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín, từ đó xác định các giả thuyết, biện luận và công bố kết quả…

Chính vì những lí do đó, nên giới trí thức luôn đề cao chuẩn đầu vào của nghiên cứu sinh là trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) và chuẩn đầu ra là công bố trên các tạp chí uy tín như WoS/Scopus.

Thế nhưng xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ đã phát sinh những “khập khiễng” trong nhận thức của người học và cả người làm công tác đào tạo. Thậm chí đã đi lệch xa so với những khái niệm căn bản.

Chẳng hạn, người ta đánh đồng một nhiệm vụ sử dụng ngân sách sự nghiệp khoa học để giải quyết một vấn đề phát sinh trong xã hội với một công trình nghiên cứu khoa học hay luận án tiến sĩ. Mặc dù nhiệm vụ đó chẳng có tính mới, không thể công bố khoa học, nhưng đem lại hiệu quả về kinh tế. Và mặc nhiên người ta dựa vào đó đề cao tính ứng dụng và phê phán tính “hàn lâm”.

Công bằng thì mọi lĩnh vực đều có đóng góp tích cực đối với sự phát triển. Và cũng không thể cho rằng lĩnh vực khoa học này dễ, lĩnh vực kia khó; lĩnh vực khoa học này có tính “quốc tế”, còn lĩnh vực kia chỉ có tính “nội địa”. Đã là khoa học thì phải khách quan. Nếu sử dụng các phương pháp khoa học khách quan để phát hiện cái mới, có ý nghĩa, thì đều được các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới chấp nhận công bố. Do vậy, để “hóa giải” những tranh luận có tính gay gắt, khác biệt từ các góc nhìn, thì cần phải quay về với những khái niệm căn bản. Và “khoa học” vẫn phải là “khoa học”.

Đối với đào tạo tiến sĩ, dù là khoa học tự nhiên hay xã hội thì cũng phải tiếp cận đúng bản chất vấn đề - đào tạo ra những nhà khoa học có năng lực và phẩm chất. Theo tinh thần Luật 34/2018/QH14, các trường đại học, viện nghiên cứu được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Để bảo đảm chất lượng và uy tín học hiệu, các viện, trường căn cứ quy định tại thông tư 18/2021/BGDĐT tổ chức xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo tiến sĩ bằng hoặc cao hơn ngưỡng tối thiểu; công khai để xã hội và các cơ quan chức năng giám sát.

Tuy nhiên, theo tôi để đảm bảo “không thụt lùi” so với thời đại, Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành cũng nên có những hướng dẫn cụ thể, để mặt bằng chung của ngành không quá lệch xa. Đồng thời, vấn đề cần lưu tâm là, các nhiệm vụ khoa học như ứng dụng kĩ thuật, công nghệ hay nhiệm vụ đặt hàng giải quyết các vấn đề xã hội, nếu có hiệu quả mà không có đóng góp mới cho khoa học thì nên có chế độ khuyến khích phù hợp, nhưng không được xem đó là 1 công trình khoa học và đem ra bảo vệ như một luận án tiến sĩ.

Đúng việc, đúng người sẽ có nhân tài thật

Giảng viên, nghiên cứu viên là những người làm “nghề nghiên cứu”, sáng tạo và truyền bá tri thức cũng như tư vấn, phản biện xã hội dựa trên nền tảng khoa học, khách quan. Với vai trò là những người có chuyên môn, kết nối tri thức và cộng sự để sáng tạo cái mới, có giá trị để phục vụ sự hiểu biết cho nhân loại, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội,… Những người làm nghề nghiên cứu được gọi chung là nhà khoa học. Đặc điểm chung của các nhà khoa học là có chuyên môn sâu, có phương pháp luận và phẩm chất trung thực, khách quan…

Đào tạo tiến sĩ thực sự là đào tạo ra những nhà khoa học như vậy. Khi một người am hiểu sâu về chuyên môn và có đạo đức, nếu có chính sách sử dụng hợp lí và được đầu tư tốt các điều kiện nghiên cứu, thì họ sẽ cống hiến không chỉ cho tri thức nhân loại mà còn đóp góp những giá trị “vô hình” to lớn cho đất nước.

ffff

Phó giáo sư Võ Văn Minh (Ảnh: NVCC)

Một người được đào tạo tiến sĩ một cách bài bản, chuẩn mực, nếu có được môi trường làm việc dân chủ, khách quan và nếu được lựa chọn công việc thì bao giờ họ cũng chọn nghiên cứu - đúng với “cái nghề” mà họ được đào tạo. Và chắc chắn rằng, nếu các viện nghiên cứu, các trường đại học có được những chính sách đầu tư “hàng đầu” cho lực lượng tinh hoa thì nền học thuật của quốc gia sẽ phát triển, “nhân tài thật” sẽ xuất hiện.

Về quản lí nhà nước cũng cần phải rạch ròi, khách quan đối với các chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. Như chúng ta biết, nhà nước, các địa phương dùng ngân sách sự nghiệp khoa học để thực hiện các nhiệm vụ khoa học nhằm giải quyết các vấn đề thực tế … Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các nhiệm vụ ấy cũng chưa đem lại hiệu quả đáng kể và chưa thực sự “là động lực phát triển kinh tế - xã hội”.

Nguyên nhân rất đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn là cách làm chưa thực sự khách quan, khoa học. Chính vì vậy, cần phải quy định chặt chẽ, khách quan tất cả các khâu từ đề xuất, tuyển chọn, đặt hàng, đấu thầu đến nghiệm thu… Khi đó, nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học sẽ đi đúng hướng, chọn đúng người và lực lượng tiến sĩ được đào tạo bài bản mới có điều kiện sống thật, cống hiến thật và có nhân tài thật.

Đào tạo đúng, sử dụng sai cũng lãng phí

Chúng ta mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước là chính đáng. Trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin khoa học không còn cất ở các thư viện lớn của các nước phát triển mà phổ biến rộng khắp, người nghiên cứu có thể truy cập được ở bất cứ nơi đâu.

Hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam cũng đã kết nối, hội nhập. Nếu đầu tư thích đáng cho nghiên cứu khoa học cũng như nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ tương ứng thì việc đào tạo tiến sĩ trong nước sẽ tiết kiệm chi phí xã hội cũng như góp phần đáng kể vào việc phát triển nền học thuật quốc gia. Đồng thời thông qua đó cũng nâng cao chất lượng đào tạo đại học nước nhà.

Ngược lại, nếu chúng ta đầu tư cử người qua các nước tiên tiến để học tiến sĩ hay chúng ta đầu tư đào tạo tiến sĩ ở trong nước ngang tầm với các nước phát triển, nhưng sử dụng các tiến sĩ vẫn không phù hợp như bố trí các công việc hành chính văn phòng, hay chỉ để bổ nhiệm vào một số chức danh lãnh đạo quản lí thì cũng lãng phí không kém.

Tóm lại, tranh luận khoa học luôn là động lực cho sự phát triển khoa học. Tranh luận các vấn đề xã hội bằng tư duy khoa học, khách quan sẽ thúc đẩy xã hội phát triển. Những vấn đề xã hội đang tranh luận gay gắt là những vấn đề quan trọng và cấp bách. Nhà chức trách cần lắng nghe để có những quyết sách đúng đắn và kịp thời.

Phó giáo sư Võ Văn Minh - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây