Phiên họp lần thứ 62 của Hội đồng Quản trị của SEAMEO INNOTECH được tổ chức tại Dili, Thủ đô của Đông Timo. Đến dự Phiên khai mạc (ngày 02/10/2018) có sự hiện diện của Thủ tướng Đông Timo, Ngài Taur MatanRuak và nhiều quan chức cấp cao khác.
Toàn cảnh phiên khai mạc của Hội đồng SEAMEO INNOTECH
Trong bài phát biểu chào mừng, Thủ tướng Đông Timo đã cảm ơn tổ chức SEAMEO, Bộ Giáo dục Philippines và SEAMEO INNOTECH đã chọn Đông Timo để tổ chức Phiên họp lần thứ 62 của Hội đồng. Đây là cơ hội để đất nước Đông Timo non trẻ (giành độc lập và trở thành Cộng hòa Dân chủ Đông Timo từ năm 1999) có cơ hội tiếp cận các tổ chức quốc tế và từng bước hòa nhập vào khu vực. Ngài Thủ tướng tin tưởng rằng đây là cơ hội để nhiều người biết đến Đông Timo, là dịp để quốc gia này trao đổi và ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế và các trường đại học nước ngoài, theo đó gửi lời cám ơn ĐHĐN đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các trường đại học của Đông Timo. Ngài Thủ tướng yêu cầu các đại học Đông Timo cần phải tham gia tích cực vào các dự án hợp tác quốc tế để từng bước nâng cao năng lực và hội nhập quốc tế, đồng thời đề nghị xúc tiến triển khai các hoạt động hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Ngài Taur MatanRuak - Thủ tướng Đông Timo (hình trên) phát biểu chào mừng và PGS.TS. Võ Trung Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị SEAMEO INNOTECH phát biểu khai mạc
Trong bài phát biểu khai mạc, PGS.TS. Võ Trung Hùng đã trân trọng cảm ơn Thủ tướng Đông Timo Taur MatanRuak và Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao Đông Timo đã đăng cai, hỗ trợ tổ chức phiên họp của Hội đồng SEAMEO INNOTECH; cảm ơn Bộ Giáo dục Philippines, Tổ chức SEAMEO và SEAMEO INNOTECH đã chuẩn bị chu đáo cho Phiên họp Hội đồng lần này. PGS.TS. Võ Trung Hùng đã nhấn mạnh: "Chúng ta rất may mắn được sống trong giai đoạn giao thoa giữa hai cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 3 và thứ 4. Cuộc CMCN lần thứ 3 dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đã đem lại những thay đổi sâu sắc trong quá trình sản xuất dựa trên tự động hóa, cách thức truyền thông, xử lý thông tin đểtạo ra sự thay đổi toàn diện về kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia. CMCN lần thứ 4 dựa trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, các hệ thống vật lý số và rôbốt sẽ đem đến nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức đối với tất cả các quốc gia. Với vai trò, vị thế là một Trung tâm Sáng tạo và Đổi mới Giáo dục của ASEAN, SEAMEO INNOTECH sẽ phải nhanh chóng đề xuất các giải pháp, phát triển và ứng dụng các hệ thống dựa trên các công nghệ mới để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tạo ra một thế hệ công dân “thông minh” trong khu vực ASEAN".
Chủ tọa điều hành Phiên khai mạc (từ phải qua: Jesus Mateo - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Philippines, Dulce de Jesus Soares - Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Đông Timo, Taur Matan Ruak - Thủ tướng Đông Timo, PGS.TS. Võ Trung Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị SEAMEO INNOTECH, Ramon Baccani - Giám đốc SEAMEO INNOTECH)
Tại các phiên họp, các thành viên Hộiđồng đã nghe Giám đốc SEAMEO INNOTECH báo cáo kết quả hoạt động 02 năm 2017-2018, tình hình triển khai các chương trình/dự án, tình hình phát triển/cải tạo cơ sở hạ tầng và trang thiết bị trong lĩnh vực phát triển giáo dục, tình hình triển khai tổ chức các hội nghị/hội thảo/khoá đào tạo ngắn hạn, báo cáo tài khoá thường niên và một số nội dung chuyên đề khác. Giám đốc SEAMEO cũng đã trình bày dự thảo Chiếnlược và Kếhoạch cho giai đoạn 05 năm (2020-2025), kế hoạch hoạt động và cải tạo cơ sở hạ tầng. Các thành viên của Hội đồng đã thảo luận, chia sẻ thông tin và nêu lên những vấn đề cần trao đổi, góp ý để hoàn thiện trước khi trình lên các cấp cao hơn.
Các thành viên Hội đồng chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Đông Timo
SEAMEO INNOTECH là một trong ba trung tâm khu vực của Tổ chức các Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các nước Đông Nam Á (Southeast Asian Ministers of Education Organization - SEAMEO) và Chính phủ Philippines bảo trợ. SEAMEO INNOTECH được thành lập tháng 01/1970 và có trụ sở chính đặt tại trụ sở của Ban Thư ký SEAMEO ở Thái Lan. Trụ sở của SEAMEO INNOTECH sau đó lần lượt được chuyển tới Singapore, Việt Nam, Thái Lan và từ tháng 7/1981 chính thức được SEAMEO và Chính phủ Philippines bảo trợ đặt tại Đại học Philippines Diliman, Thành phố Quezon, Philippines.
Hội đồng quản trị SEAMEO INNOTECH hiện có 13 thành viên chính thức, bao gồm đại diện của 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 01 đại diện là Quan sát viên đến từ Timor Leste. Giám đốc SEAMEO INNOTECH và Giám đốc Ban Thư ký SEAMEO là thành viên đương nhiên của Hội đồng. Hội đồng quản trị có nhiệm vụ đưa ra các chính sách, phê duyệt các kết quả thực hiện và định hướng phát triển của SEAMEO INNOTECH để trình lên SEAMEO. Các thành viên Hội đồng phải là các quan chức cấp cao trong các bộ/ngành giáo dục của mỗi nước hoặc là những nhà giáo dục tầm cỡ quốc gia và quốc tế do Chủ tịch Hội đồng SEAMEO bổ nhiệm theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT của các nước thành viên. PGS.TS. Võ Trung Hùng được Bộ GD&ĐT Việt Nam giới thiệu tham gia và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2017-2019 (03 năm). Xem thêm tại đây
PGS.TS. Võ Trung Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị SEAMEO INNOTECH chủ trì các phiên họp của Hội đồng
Cũng trong phiên khai mạc, PGS.TS. Võ Trung Hùng thừa uỷ quyền của Giám đốc ĐHĐN đã ký Thoả thuận hợp tác với 02 trường đại học của Đông Timo là Đại học Quốc gia Đông Timo và Đại học Dili trước sự chứng kiến của Ngài Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Đông Timo.
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ĐHĐN - Việt Nam với Đại học Quốc gia Đông Timo
Ký kết thoả thuận hợp tác giữa ĐHĐN - Việt Nam với Đại học Dili - Đông Timo
PGS.TS. Võ Trung Hùng chủ trì các phiên họp Hội đồng
Ngoài việc tham dự các phiên họp, PGS.TS. Võ Trung Hùng đã đến thăm và trao đổi với các đại học ở Đông Timo về các khả năng hợp tác trong tương lai. PGS.TS. Võ Trung Hùng đã tham dự hội thảo quốc tế tổ chức bởi Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Đông Timo và có bài báo cáo tham luận về tận dụng thời cơ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Chuyến công tác của đại diện ĐHĐN là một trong những minh chứng khẳng định uy tín, vị thế và “học hiệu” ĐHĐN được lan tỏa và hội nhập mạnh mẽ trong khu vực và quốc tế, góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ trong bối cảnh CM lần thứ 4.
Tin Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - ĐHĐN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn