Mục tiêu của chương trình là nhằm hướng dẫn nhân viên xã hội, giảng viên, sinh viên cập nhật kiến thức và kỹ năng đánh giá trẻ em có nguy cơ, đồng thời trao đổi kiến thức giữa các chuyên gia, nhân viên xã hội quốc tế và nhân viên xã hội Việt Nam về đánh giá trẻ em và gia đình cũng như thực hành trong lĩnh vực này cho giảng viên, nhà thực hành và sinh viên công tác xã hội. Khóa tập huấn sử dụng cách tiếp cận độc đáo, hướng đến chia sẻ kiến thức, xây dựng mạng lưới và phát triển chuyên môn trong lĩnh vực quan trọng của công tác xã hội với gia đình và trẻ em
Chương trình khai mạc khóa tập huấn có sự tham gia của bà Michiko Hirata – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công tác xã hội quốc tế (AISW); đại diện Hiệp hội Công tác xã hội quốc gia Campuchia; đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng và đại diện lãnh đạo Nhà trường, phòng Khoa học Hợp tác quốc tế, Khoa Tâm lý Giáo dục – Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN.
Phát biểu khai mạc Chương trình tập huấn, PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Khoa tâm lý Giáo dục nhấn mạnh ““Nâng cao năng lực thực hành đánh giá trẻ em có nguy cơ” không chỉ là một chương trình đào tạo đơn thuần, mà còn mang một ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh hiện nay. Việc đánh giá chính xác và toàn diện những nguy cơ mà trẻ em có thể gặp phải trong quá trình phát triển, học tập và cuộc sống là cực kỳ quan trọng. Những nguy cơ này có thể đến từ các yếu tố như điều kiện gia đình, xã hội, sức khỏe tâm lý, và môi trường xung quanh. Khóa tập huấn không chỉ giúp các học viên, các chuyên gia và các nhà giáo dục phát triển các công cụ, phương pháp đánh giá khoa học, mà còn mang lại cái nhìn toàn diện về sự phát triển của trẻ em trong các điều kiện khác nhau”.
PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm Anh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và các yếu tố tác động tiêu cực như biến đổi môi trường, bạo lực gia đình, tình trạng nghèo đói, và các vấn đề về sức khỏe tâm lý, việc đánh giá sớm các nguy cơ đối với trẻ em là vô cùng quan trọng. Đánh giá không chỉ giúp nhận diện những rủi ro mà còn là bước đầu tiên để thực hiện những can thiệp hiệu quả, bảo vệ sự phát triển của trẻ em và xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh cho các em.
Chia sẻ tại chương trình tập huấn, bà Michiko Hirata – Phó chủ tịch Hiệp hội Công tác xã hội Quốc tế (AISW) cho biết, chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực thực hành đánh giá trẻ em có nguy cơ” là một trong những hoạt động được triển khai trong khuôn khổ dự án “Phát triển và triển khai Chương trình Nâng cao Năng lực cho Nhân viên Công tác Xã hội về an sinh trẻ em và gia đình tại Việt Nam và Campuchia”. Một trong những mục tiêu của dự án là đề xuất được mô hình thực hành công tác xã hội tại Việt Nam và Campuchia dựa trên bối cảnh xã hội và văn hóa mỗi nước, từ đó có thể góp phần giảm thiểu việc lạm dụng, ngược đãi trẻ em.
Bà Michiko Hirata cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới tập thể Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN đã hỗ trợ, đồng hành, phối hợp tích cực trong việc tổ chức chương trình tập huấn tại Trường.
Chương trình tập huấn diễn ra trong 3 ngày với các bài giảng, chia sẻ kinh nghiệm thực tế và đến tham quan thực tế tại các trung tâm công tác xã hội tại Đà Nẵng. Báo cáo viên của Chương trình gồm: TS. Natsuko Minamino – Giáo sư Hoạch định Phúc lợi Xã hội, Đại học Toyo, Nhật Bản; TS. PM Mathew – Phó Giáo sư Công tác xã hội, Đại học Christ, Ấn Độ; TS. Paul Dương Trần – Giáo sư trường Cao đẳng Sức khỏe, Dịch vụ con người và Y tá; TS. Lê Thị Lâm – Giảng viên Công tác xã hội, Đại học Sư phạm – ĐHĐN và Ths. Nguyễn Thị Phương Thảo – Cán bộ dự án, Tổ chức Plan International Việt Nam.
Bích Thủy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn