Cao nguyên Kon Hà Nừng – Ngọc xanh giữa đại ngàn Tây nguyên

Thứ tư - 12/02/2025 16:02
Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) vào năm 2021. Nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai, khu DTSQTG này không chỉ sở hữu hệ sinh thái đa dạng mà còn mang giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc, là một trong những vùng sinh thái quan trọng của Việt Nam và thế giới.
Hệ sinh thái độc đáo – “chỉ có ở cao nguyên Kon Hà Nừng”
Khu DTSQTG Cao nguyên Kon Hà Nừng là một vùng sinh thái rộng lớn có diện tích hơn 413.500 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Đây là nơi có hệ sinh thái rừng còn tương đối nguyên vẹn, tính đa dạng sinh học phong phú bậc nhất Việt Nam và khu vực, đặc trưng cho hệ sinh thái, hệ động thực vật rừng của khu vực Tây Nguyên.
Thac Hang EN
Thác Hang Én ((Nguồn ảnh: Website Khu Dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng).

Chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên báo chí, GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (thuộc UNESCO) nhận định: “Điểm nổi bật, độc đáo chỉ có ở cao nguyên Kon Hà Nừng là hệ sinh thái phong phú, đa dạng, trong đó, đặc trưng là rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá rộng, rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá kim, rừng thưa thường xanh cây lá rộng, rừng thưa thường xanh cây lá kim, thảm cây bụi và các khu vực đất nông nghiệp, khu dân cư tính đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng các tỉnh Tây Nguyên”.
Một điểm đặc biệt nữa ở Kon Hà Nừng là nguồn nước mội - loại nước có được khi mưa rơi xuống tán rừng, thấm xuống, ngấm dần trong đất và các lớp khoáng chất nằm sâu trong lòng đất. Các khoáng chất đã hòa vào nước thành các vi chất. Vì vậy, việc giữ rừng, giữ nước ở cao nguyên Kon Hà Nừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ với người dân địa phương mà cả khu vực lân cận.
Cao nguyên Kon Hà Nừng xác định được 1647 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp, 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát, 58 loài lưỡng cư, 321 loài côn trùng và nhiều nhóm động vật khác... Trong đó, có nhiều động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, có 3 loài thú đặc hữu của Đông Dương bao gồm voọc chà vá chân xám, vượn đen má hung Trung Bộ và mang lớn.
00038
Hệ thống rừng xanh ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng gần như còn nguyên vẹn.
(Nguồn ảnh: Website Khu Dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng).

KDTSQTG Kon Hà Nừng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo vệ nguồn nước đầu nguồn của nhiều con sông lớn ở Tây Nguyên. Thảm thực vật rừng nguyên sinh phong phú không chỉ giúp hấp thụ carbon, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa và lịch sử
Cao nguyên Kon Hà Nừng còn là nơi chứa đựng kho tàng di sản văn hóa, lịch sử phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại Tây Nguyên.
Screenshot 2025 02 12 082855
Cộng đồng các dân tộc thiểu số sống trong vùng đệm KDTSQ với những nét văn hóa độc đáo. (Nguồn ảnh: internet)

Một số vùng trong KDTSQ có kiến tạo địa chất cổ và tối cổ, trên 2 triệu năm. Có nhiều thác nước lớn, miệng núi lửa còn rất rõ nét và có dấu vết của con người sinh sống hàng ngàn năm về trước. Ở khu vực vùng đệm và vùng chuyển tiếp của KDTSQ là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số như Bahnar, Jrai... với nền văn hóa đặc sắc, trong đó phải kể đến “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” – Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận năm 2005. Bên cạnh đó, kiến trúc nhà rông, nhà sàn và các truyền thống canh tác nương rẫy cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của khu vực. Các giá trị này vừa có ý nghĩa bảo tồn vừa là cơ hội để phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với văn hóa bản địa.

“Món quà” thúc đẩy kinh tế, phát triển du lịch
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên độc đáo và giá trị văn hóa đặc sắc, KDTSQ Kon Hà Nừng đang dần trở thành địa chỉ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Điều đặc biệt là phát triển du lịch tại Kon Hà Nừng không chỉ hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, là sinh kế bền vững cho người dân vùng đệm mà đồng thời lồng ghép tuyên truyền hiệu quả để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường thiên nhiên.  
IMG 2929
Các học viên Khóa tập huấn “Bảo tồn linh trưởng Việt Nam 2024” tham gia thực địa tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
(Ảnh do Hội Động vật học Frankfurt  cung cấp).

KDTSQ Kon Hà Nừng đang là một địa điểm trekking nổi tiếng, mang đến những  trải nghiệm thú vị về hệ sinh thái nguyên sinh cùng những loài động, thực vật rừng quý hiếm hay giao lưu với người dân địa phương và thưởng thức các món ăn dân dã như rau rừng, cá suối, mật ong... Du khách có thể theo những con đường nhỏ, luồn sâu vào giữa lõi rừng, đứng trên đài cao quan sát cánh rừng rộng lớn… Cũng có thể hòa mình vào khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên và những dòng thác nước mát lạnh để tận hưởng không khí trong lành của rừng nguyên sinh.
em va loc
Gắn kết giữa con người và thiên nhiên tại Kon Hà Nừng.
(Ảnh do Hội Động vật học Frankfurt  cung cấp).

KDTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng là “viên ngọc xanh” thiên nhiên quý giá của Việt Nam và thế giới. Với những giá trị sinh thái, văn hóa và kinh tế to lớn, việc bảo vệ và phát triển khu vực này theo hướng bền vững không chỉ giúp duy trì đa dạng sinh học mà còn góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng địa phương, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và gìn giữ di sản thiên nhiên cho thế hệ tương lai.
Screenshot 2025 02 12 160821
Truyền thông Sư phạm (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây