HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “QUẢNG NAM: LỊCH SỬ KHAI LẬP VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÍ”
Thứ bảy - 27/08/2022 17:58
Ngày 27.8, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam: Lịch sử khai lập và tổ chức quản lí”.
Hội thảo có sự tham dự của: Ông Vũ Ngọc Hoàng - Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Đinh Quang Hải, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXHVN; PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. Về phía Đại biểu TP. Đà Nẵng có sự tham dự của: ThS. Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng; TS. Lê Tiến Công, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Về phía đại biểu tỉnh Quảng Nam có sự tham dự của: Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Về phía Đại học Đà Nẵng có sự tham dự của PGS.TS. Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Về phía Trường Đại học Sư phạm có: PGS.TS. Lưu Trang, Hiệu trưởng, Trưởng Ban Tổ chức; TS. Bùi Bích Hạnh, Phó Hiệu trưởng, Phó trưởng Ban Tổ chức; Đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng, Tổ, Trung tâm thuộc và trực thuộc Trường; Gần 500 học viên cao học, sinh viên Lịch sử và sinh viên các khoa liên quan. Đặc biệt, là sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học...trên cả nước, cùng các cơ quan báo, đài đến đưa tin về hội thảo. Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Bùi Bích Hạnh – Phó hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Sự hiện diện của tất cả chúng ta, chính là nguồn cảm hứng để các nhà khoa học chia sẻ những kết quả nghiên cứu rất đáng trân trọng của mình; là cơ hội để chúng ta được giao lưu, đối thoại khoa học về một Quảng Nam đậm chất và có những dấu chỉ văn hoá, lịch sử mang trong nó nhiều trầm tích. Khi nghĩ về Quảng Nam, cả đất và người, từ tiền sơ sử đến hiện đại, đều gợi lên những câu chuyện rất đáng để suy ngẫm, khai thác. Diễn đàn khoa học ngày hôm nay là một cơ hội như thế, để chúng ta được lắng nghe và đối thoại về những vấn đề thuộc về Quảng Nam, xoay quanh các chủ điểm Quảng Nam: lịch sử khai lập, tổ chức quản lí và Quảng Nam: tổ chức quản lí và đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Chúng tôi trân trọng tất cả những ý tưởng khoa học, những phát hiện và cái nhìn mới hoặc làm mới những vấn đề Quảng Nam mà chúng ta đã đóng góp cho Hội thảo này. Chủ đề chuyên sâu, thường không dễ khai thác nhưng chủ đề chuyên sâu lại rất dễ có những bài đinh và những công bố ấn tương. Đây là điểm sáng mà BTC nhận thấy từ chất lượng khoa học của các bài viết, tham luận có mặt trong Hội thảo này. Hi vọng Hội thảo sẽ được lắng nghe những trình bày sâu sắc, những tranh luận, đối thoại đầy tinh thần khoa học của chúng ta và cũng kì vọng Hội thảo lần này sẽ mở đầu cho một chuỗi Hội thảo về lịch sử Quảng Nam dự kiến sẽ được phối hợp tổ chức giữa Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN và Quảng Nam, tạo thành những điểm nhấn quan trọng hơn, có sức lan toả sâu rộng hơn cho những vấn đề không chỉ là lịch sử địa phương, mà còn là những vấn đề văn hoá – lịch sử dân tộc. Chúng tôi cũng tin rằng các đề tài được gợi ra trong Hội thảo, sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu tiếp theo và quan trọng nhất là sẽ góp phần tác động đến các vấn đề chính sách bảo tồn và phát triển địa phương, quốc gia, dân tộc. Tất cả sẽ làm nên giá trị, không chỉ là giá trị khoa học của Hội thảo này.”
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận có giá trị của các tác giả trong nước và quốc tế đến từ: Học viện Sử học Đại học Tây Bắc - Trung Quốc; Trường Lịch sử và văn hóa Đại học dân tộc Trung ương Trung Quốc; Viện Sử học và Viện khoa học xã hội vùng Trung bộ thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học khoa học - ĐH Huế; Trường Đại học Duy Tân; Trường Đại học Đông Á; Trường Đại học Khánh Hòa; Trường Đại học Kĩ thuật Y-Dược Đà Nẵng; Trường Chính trị tỉnh Quảng Trị, tỉnh Đồng Tháp, Tạp chí Xưa và Nay, NXB Giáo dục... Trên cơ sở kết quả phản biện, Ban tổ chức đã chọn ra 32 tham luận để đăng trong toàn văn kỉ yếu của Hội thảo, tập trung vào 2 chủ đề chính: (1) Lịch sử khai lập; (2) Tổ chức quản lí và đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc. Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ThS. Trương Trung Phương – Phó trưởng Khoa Lịch sử, cho biết “Hiện nay, nghiên cứu sâu về lịch sử địa phương để định vị vai trò của một vùng đất trong tiến trình lịch sử dân tộc, từ đó hoạch định các chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển địa phương, góp phần phát triển đất nước đang trở thành xu hướng được nhiều nhà khoa học quan tâm. Với vị thế là một vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hóa, có vị trí đặc biệt trong hành trình mở cõi về phương nam của quốc gia Đại Việt cũng như trong tiến trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước, Quảng Nam chính là nơi chứa đựng những vấn đề lịch sử nổi bật cần được giới sử học quan tâm tìm hiểu và làm rõ. Và Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam: Lịch sử khai lập và tổ chức quản lí” do Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN tổ chức ngày hôm nay chính là lời khẳng định cho những giá trị đó. BTC tin tưởng rằng, với tinh thầntrao đổi học thuật đầy tính xây dựng, thực sự khoa học, và sự hợp tác thân ái, cởi mở giữa các nhà khoa học, Hội thảo“Quảng Nam: Lịch sử khai lập và tổ chức quản lí” sẽhoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.”
Hội thảo được tổ chức với hai phiên: phiên toàn thể và phiên tiểu ban. Có 3 tham luận được trình bày tại phiên toàn thể gồm: Địa danh và địa giới Quảng Nam cùng các biến động lịch sử từ thời Lê đến thời Tây Sơn (1471 - 1801) do PGS.TS Đỗ Bang, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế; báo cáo Tính mở” trong quá trình khai lập Quảng Nam của nhóm tác giả PGS.TS. Lưu Trang, TS. Nguyễn Minh Phương, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng và Nguồn gốc hình thành tính cách người xứ Quảng từ góc độ lịch sử của ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Sau phiên toàn thể, hội thảo có 2 tiểu ban với 14 báo cáo được chọn trình bày. Trong đó, tiểu ban 1 có chủ đề Quảng Nam: Lịch sử khai lập; Tiểu ban 2: Quảng Nam: Tổ chức quản lý và đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc. Quảng Nam là vùng đất có vị trí chiến lược, nơi hội tụ và kết tinh của nhiều nền văn hóa khác nhau; nơi sản sinh nhiều thế hệ danh nhân; mảnh đất “trung dũng kiên cường”, giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Theo dòng lịch sử, Quảng Nam từng là kinh đô của vương quốc Chămpa. Sau cuộc “bình Chiêm” của Lê Thánh Tông năm 1471, Quảng Nam chính thức trở thành Đạo Thừa tuyên thứ 13 của Đại Việt. Trong tiến trình hơn 550 năm gia nhập và phát triển cùng quốc gia, dân tộc, Quảng Nam thể hiện vai trò là phên giậu, tiền đồn để ông cha ta mở cõi về phương Nam, xác lập chủ quyền, tổ chức quản lý; là nơi khởi phát và cũng là trung tâm của các phong trào yêu nước, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ… Do đó, lịch sử vùng đất này gắn liền với lịch sử khai lập, tổ chức quản lí và mở mang bờ cõi về phía Nam của dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, truyền thống yêu nước, kiên cường vượt gian khó, năng động và sáng tạo của người dân xứ Quảng tiếp tục được phát huy trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Sau gần 25 năm chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước.