Đại học Đà Nẵng họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhiệm kỳ 2018 - 2023

Thứ hai - 22/08/2022 10:22
Sáng ngày 19/8/2022, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã tổ chức phiên họp Hội đồng với sự tham dự của toàn thể các thành viên dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN, Chủ tịch Hội đồng và các Phó Giám đốc ĐHĐN: PGS.TS. Lê Thành Bắc, PGS.TS. Lê Quang Sơn. 
Đại học Đà Nẵng họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhiệm kỳ 2018 - 2023

 

a

Toàn cảnh Phiên họp 

Tại Phiên họp, TS. Trần Đình Khôi Quốc - Trưởng ban Ban Đào tạo trình bày Báo cáo công tác tuyển sinh và đào tạo, trong đó công tác tuyển sinh có các nội dung trọng tâm như: Các phương thức tuyển sinh đại học chính quy; nguồn lực để xác định chỉ tiêu; tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum… Các trường đại học thành viên đã sử dụng tối ưu nguồn lực để xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định, phân bổ, điều tiết để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực chung của ĐHĐN, duy trì các điều kiện mở ngành, chú trọng, đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào làm cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo...

b

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN và các Phó Giám đốc ĐHĐN chủ trì Phiên họp

Đại diện lãnh đạo Ban Đào tạo ĐHĐN đã báo cáo các nội dung trọng tâm về công tác đào tạo như: Việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội và người học; việc liên thông đào tạo giữa các cơ sở đào tạo (CSĐT) thành viên/trực thuộc ĐHĐN; việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy-học, tư vấn tuyển sinh, đào tạo cho người học…; đề xuất các CSĐT cần có định hướng, chủ động trong chuẩn bị, đăng ký mở các ngành/chuyên ngành đào tạo mới đúng quy định, tránh trùng lặp, có kế hoạch mở ngành trong giai đoạn 03 năm (2022-2025) và cần được thông qua Thường trực Hội đồng Khoa học và Đào tạo trước khi xây dựng Đề án mở ngành.

c

TS. Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Ban Đào tạo ĐHĐN báo cáo 

PGS.TS. Nguyễn Lê Hùng - Trưởng ban Ban Khoa học Công nghệ (KHCN) và Môi trường ĐHĐN đã báo cáo tình hình, kết quả hoạt động KHCN trong năm qua, theo đó ĐHĐN đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Năm 2021 đã có 478 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus, tăng 15% so với năm trước); ĐHĐN nằm trong top 06 Việt Nam và Top 405 theo Scopus về tiêu chí Đổi mới sáng tạo; Trường ĐH Kinh tế - ĐHĐN nằm trong top 06 trên Bảng xếp hạng các tổ chức nghiên cứu kinh tế của Việt Nam (RePEc); Tạp chí KHCN của ĐHĐN được đưa vào Danh mục trích dẫn Đông Nam Á (ACI), được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm từ 1 - 1,25 điểm đối với nhiều Hội đồng Giáo sư ngành.

d

PGS.TS. Nguyễn Lê Hùng  - Trưởng ban Ban KHCN và Môi trường ĐHĐN báo cáo

Đại diện lãnh đạo Ban KHCN và Môi trường ĐHĐN đã đề xuất một số định hướng, giải pháp tiếp tục phát triển hoạt động KHCN theo hướng sắp xếp, tổ chức các nhóm nghiên cứu, hình thành nhóm nghiên cứu liên ngành tại các CSĐT thành viên; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia uy tín trong nước, quốc tế; tập trung  thực hiện các nhiệm vụ KHCN đặt hàng từ các địa phương; tăng cường tổ chức các sự kiện hội thảo khoa học lớn có sự phối hợp tham gia của Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp, góp phần thể hiện vai trò, uy tín của ĐHĐN đóng góp phát triển vùng và đất nước.

e

GS.TSKH. Bùi Văn Ga phát biểu 

Các thành viên Hội đồng đã phát biểu, tích cực thảo luận nhiều nội dung liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo và KHCN, chuẩn bị chu đáo cho năm học mới 2022 - 2023.

Về tuyển sinh, đào tạo, các ý kiến thảo luận với nội dung trọng tâm như: Định hướng tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng của ĐHĐN để thu hút, quy tụ thêm nhiều học sinh giỏi, phát huy, đánh giá năng lực của người học; dành tỷ lệ, chỉ tiêu đối với phương thức tuyển sinh riêng; hoàn thiện quy định tuyển dụng giảng viên/trợ giảng, công nhận học phần và các tín chỉ giữa các CSĐT thành viên/trực thuộc; linh hoạt, mềm dẻo trong tổ chức đào tạo theo các phương thức trực tiếp, trực tuyến, liên thông, tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên có thêm nhiều thời gian thực tập, thực hành tại doanh nghiệp; định hướng mở các ngành đào tạo mới, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương, doanh nghiệp.

f

Các thành viên Hội đồng phát biểu và thảo luận 

Về hoạt động KHCN, các thành viên Hội đồng tập trung thảo luận việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các đề tài, nhiệm vụ KHCN; đề xuất định mức sản phẩm KHCN đối với giảng viên trong 03 năm (2023 - 2025); đề xuất dành nguồn kinh phí và tận dụng nguồn lực từ các dự án để mời các nhà khoa học, chuyên gia uy tín tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, qua đó mở rộng mạng lưới kết nối chuyên gia; tiếp tục đẩy mạnh công bố quốc tế gắn với tăng cường các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng, tham vấn, phản biện chính sách theo các nhiệm vụ đặt hàng của Trung ương, các địa phương, tập đoàn doanh nghiệp lớn…

g

PGS.TS. Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc ĐHĐN phát biểu

Phát biểu kết luận Phiên họp, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh tuyển sinh là vấn đề rất quan trọng, mục tiêu cao nhất đặt ra là phải tuyển sinh được nguồn đầu vào chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước, từ đó ĐHĐN cũng như các CSĐT thành viên, trực thuộc cần có giải pháp quyết liệt, phù hợp, hiệu quả hơn nữa cho nhiệm vụ này.

h

PGS.TS. Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc ĐHĐN phát biểu

Để nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo, ĐHĐN đã có định hướng chuẩn bị đề án, phương án tuyển sinh riêng từ trước, tuy nhiên Tổ chuẩn bị và Ban Đào tạo cần nỗ lực, xúc tiến hơn để có báo cáo nghiên cứu trình bày các nội dung liên quan, từ đó tham vấn, xin ý kiến Hội đồng dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn với các phương án phù hợp, khả thi.

Về mở ngành đào tạo, Chủ tịch Hội đồng chia sẻ những trăn trở của các CSĐT thành viên, trực thuộc. Việc mở các ngành đào tạo mới cần bám sát sứ mệnh, mục tiêu phát triển của nhà trường, đáp ứng nhu cầu xã hội, mềm dẻo, linh hoạt để thích ứng với bối cảnh hội nhập, cạnh tranh trong giáo dục đại học trên từng phân khúc tuyển sinh.

i

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN, Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận 

Phó Giám đốc phụ trách đào tạo và Ban Đào tạo ĐHĐN cần đầu tư hơn nữa cho việc nghiên cứu, tham mưu giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, phát sinh, chung nhất giữa các trường, đảm bảo tính hợp lý, hài hoà, điều phối và tạo điều kiện để các CSĐT cùng phát triển; phối hợp chặt chẽ với các vụ, cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện tiếng nói xây dựng từ các trường và ĐHĐN, Giám đốc ĐHĐN, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Ngọc Vũ phát biểu.

k

Các thành viên Hội đồng chụp ảnh lưu niệm 

Các CSĐT cần nghiên cứu mở các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, xúc tiến “đưa tiếng Anh vào trường đại học” để thích ứng với xu thế hội nhập, toàn cầu hoá có “độ mở” ngày càng lớn, qua đó thu hút thêm nhiều lưu học sinh quốc tế; tiếp tục tăng cường, hỗ trợ sinh viên thực hành, thực tập, cần nghiên cứu, thiết kế các chương trình để tận dụng cơ hội cho sinh viên thực tập ở nước ngoài; thống nhất nhận thức cần tích cực lựa chọn các ngành đào tạo mũi nhọn, có thế mạnh để các trường “đầu tư vun cao”, qua đó tạo đặc trưng, bản sắc, nâng cao uy tín, học hiệu của từng CSĐT cũng như ĐHĐN, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây