Giám đốc ĐHĐN (thứ 3 từ trái sang) cùng các lãnh đạo khởi động Dự án PHER
Dự án PHER do Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và ĐH Indiana (Hoa Kỳ) phối hợp với ĐH Đà Nẵng cùng hai ĐH Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh triển khai trong 5 năm (2022 - 2026).
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, trong xu thế đổi mới, các ĐH Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng là những đơn vị tiên phong trong đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam nhằm đem lại những giá trị tốt hơn cho xã hội.
Toàn cảnh Lễ khởi động Dự án PHER
Xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa đặt ra những thách thức nhưng cũng đem lại nhiều cơ hội để phát triển, đổi mới hệ thống giáo dục đại học trở thành nền tảng tạo nên sự thay đổi về chất của lực lượng lao động và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn kết với thị trường lao động trong nước, quốc tế.
Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực tự chủ, đổi mới phương thức và bộ máy quản trị, thúc đẩy gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng nói chung làm đòn bẩy nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu
Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ngài Marc Knapper, phía Hoa Kỳ cam kết là đối tác hỗ trợ cho sự thành công và phát triển của các đại học Việt Nam chung tay cải thiện chất lượng và khả năng đáp ứng thị trường của hệ thống giáo dục đại học nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Dự án hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học do USAID tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại, bao gồm 04 trụ cột: Đổi mới quản trị đại học; Nâng cao chất lượng giảng dạy; Tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy liên kết đại học và doanh nghiệp.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ngài Marc Knapper phát biểu
Thông qua Dự án PHER, ba ĐH hàng đầu của Việt Nam sẽ có cơ hội cập nhật các phương pháp dạy - học tiên tiến, có tính thực tiễn cao giúp sinh viên phát triển năng lực, kỹ năng mềm và áp dụng tri thức được đào tạo vào thực tiễn cùng với việc tăng cường gắn kết hợp tác đại học và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ sinh viên sẵn sàng gia nhập, thích ứng nhanh với thị trường lao động toàn cầu ngay sau khi tốt nghiệp.
Các đại học sẽ đẩy mạnh kết nối mạng lưới các nhà khoa học, nghiên cứu trong nước với quốc tế thông qua việc hình thành, tổ chức các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số lĩnh vực then chốt, thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ với cộng đồng doanh nghiệp và khu vực tư nhân, qua đó thể hiện năng lực tạo ra các giá trị cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Đây cũng là cơ hội để các đối tác quốc tế hỗ trợ ba đại học đổi mới quản trị; triển khai các phương thức, mô hình, công cụ quản trị đại học tiên tiến, hiệu quả; nâng cao năng lực quản trị cho các cấp lãnh đạo, tạo điều kiện kết nối, tiếp thu kinh nghiệm quản trị đại học với các trường ĐH uy tín của thế giới.
Kính mời xem thêm tin trên Báo Nhân Dân, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, Báo điện tử Chính phủ, Báo Giáo dục và Thời đại.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn