Gần 500 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cán bộ, giảng viên các trường đại học, viện và trung tâm nghiên cứu, giáo viên các trường trung học phổ thông trong cả nước và đông đảo các chuyên gia nước ngoài, các cơ sở đào tạo Địa lý các nước tham gia hội nghị.
Hội nghị nhằm giới thiệu những thành tựu mới, đề xuất, thảo luận và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cho ngành Địa lý trong giai đoạn tới theo hướng chú trọng và đẩy mạnh mối quan hệ liên kết vùng.
Tổng kết và đánh giá những kết quả nghiên cứu, đào tạo đạt được của các nhà khoa học Địa lý trên phạm vi cả nước nhằm phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới giáo dục và hội nhập sâu rộng ở khu vực và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS Nguyễn Cao Huần – Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam, cho hay: Trong tiến trình phát triển kinh tế thế giới, khoa học và công nghệ luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, đặc biệt là trong trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: “Khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”; “Là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”. Những thập kỷ qua, khoa học Địa lý ngày càng khẳng định vai trò quan trọng và đã có những đóng góp to lớn, thiết thực cho sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước.
Có gần 500 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cán bộ, giảng viên tham dự Hội nghị.
“Mong rằng, Hội nghị khoa học Địa lý Việt Nam lần này sẽ đánh giá được đầy đủ những thành tựu nghiên cứu, đào tạo của ngành Địa lý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, thực hiện các đề tài nghiên cứu các cấp…góp phần đưa những kết quả nghiên cứu địa lý vào thực tiễn phát triển của đất nước một cách thiết thực hơn, hiệu quả hơn”, GS.TS Nguyễn Cao Huần nhấn mạnh.
Hội nghị khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ 10 với chủ đề Khoa học Địa lý Việt Nam với liên kết vùng cho phát triển bền vững tập trung trao đổi vào các nội dung cơ bản: Khoa học Địa lý nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn trong mối quan hệ liên kết vùng nhằm thúc đẩy sự phối hợp giữa các vùng tự nhiên - kinh tế, giữa các địa phương trong nội vùng cũng như trên phạm vi khu vực và quốc tế để giải quyết những vấn đề về mặt tự nhiên, kinh tế, quy hoạch, giao thông, sử dụng lao động, ứng phó biến đổi khí hậu,…Khoa học Địa lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh đất nước, các vùng lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam; các kết quả nghiên cứu thuộc các lĩnh vực chuyên ngành Địa lý và các lĩnh vực có liên quan: Địa lý tự nhiên, tài nguyên và môi trường, Địa lý kinh tế, xã hội và nhân văn, Địa lý y học, Địa lý quân sự, Địa chính trị, Địa lý công nghiệp, thương mại, du lịch, đô thị,…
Trao đổi về những kết quả nghiên cứu ứng dụng GIS, GPS, Viễn thám trong thời gian qua; Thảo luận về sự hợp tác trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực ứng dụng GIS, GPS và Viễn thám trong quản lý nhà nước, ứng dụng sản xuất và giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
Trao đổi về việc đào tạo Địa lý và các ngành học có liên quan trong mạng lưới các Trường Phổ thông, Cao đẳng, Đại học của Việt Nam theo hướng nâng cao năng lực thực hành. Công bố các công trình và kết quả nghiên cứu, giảng dạy Địa lý trong các trường đại học, cao đẳng và phổ thông. Khoa học Địa lý đóng góp cho sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu theo hướng nghề nghiệp và phổ cập kiến thức cho cả cộng đồng.
Tác giả bài viết: Đại Thắng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn