Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đoàn thanh tra, kiểm tra chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Thứ tư - 05/06/2024 14:35
Sáng ngày 5/6, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) phối hợp cùng Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đoàn thanh tra, kiểm tra chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Tham dự hội nghị về phía Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có TS. Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ, TS. Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cùng đại diện đến từ Đại học Đà Nẵng, các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Về phía Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN có PGS.TS. Võ Văn Minh – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện các phòng chức năng trực thuộc nhà trường.
Phát biểu chào mừng, PGS.TS. Võ Văn Minh cho biết Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN trong suốt thời gian qua là điểm kết nối giữa các Trường Đại học Sư phạm chủ chốt, cũng như các Trường Đại học đào tạo khoa học cơ bản của cả nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo các ngành khoa học cơ bản. Lãnh đạo nhà trường bày tỏ vui mừng khi được Bộ GD&ĐT tin tưởng, lựa chọn làm nơi kết nối, giao lưu, chia sẻ tập huấn thanh tra, kiểm tra chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với các đơn vị giáo dục trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, TS. Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ cho biết năm nay Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo từ rất sớm, với việc ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024. Trong đó, 5 nhóm vấn đề được đặc biệt coi trọng. Đó là công tác lãnh đạo chỉ đạo phải sâu sát, toàn diện; công tác phối hợp cần nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả và thông suốt; công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; công tác chuyên môn phải thực hiện đúng quy chế, quy trình; công tác truyền thông từ trung ương đến địa phương cần chủ động, kịp thời, đầy đủ và hiệu quả. Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, nhấn mạnh công tác thanh tra, kiểm tra là vô cùng quan trọng. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra đúng, kịp thời thì tính chất kỳ thi, trường thi sẽ đảm bảo nghiêm túc, mang lại sự công bằng cho các thí sinh. Lãnh đạo Bộ cho rằng, mỗi một sơ xuất, làm không đúng quy chế xảy ra sẽ mang đến hệ lụy và tác động rất lớn với xã hội, ảnh hưởng tới mục đích, yêu cầu và chất lượng của kỳ thi. Do đó, cần thực hiện nghiêm túc, không lơ là, chủ quan. Công tác thanh tra, kiểm tra cần tuân thủ yêu cầu “4 đúng”, “3 không” trong tổ chức Kỳ thi mà Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo nhiều năm qua, TS. Nguyễn Đức Cường nhắc lại yêu cầu: “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức. TS. Nguyễn Đức Cường cho biết: Bộ GD-ĐT đã thành lập 4 đoàn của lãnh đạo Bộ và Ban chỉ đạo cấp quốc gia làm việc với Ban chỉ đạo cấp tỉnh, sở GD-ĐT, hội đồng thi. Thành viên đoàn gồm lãnh đạo Bộ, thành viên Ban chỉ đạo cấp quốc gia, tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo cấp quốc gia và một số cơ quan khác. Ông cũng nhấn mạnh: Yêu cầu thanh tra, kiểm tra cần tuân thủ quy định của pháp luật, thực hiện đúng Quy chế thi và các văn bản liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi, chỉ đạo của Bộ GD-ĐT; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng.
Các đại biểu tham gia hội nghị đã thảo luận, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc về Quy chế, Hướng dẫn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; hướng dẫn về cách nhận biết, phát hiện thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong Kỳ thi; thảo luận giải đáp về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024.