BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÔNG TÁC BẢO TỒN: MÔ HÌNH HỢP TÁC GIỮA CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG NĂNG LỰC VÀ HƯỚNG NGHIỆP SINH VIÊN TỚI CÔNG TÁC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN

Thứ sáu - 20/05/2022 14:36
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022 với chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống”, Văn phòng Hội động vật học Frankfurt Việt nam và Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa. Để nâng cao hiểu biết về đa dạng sinh học và bảo tồn, trong bài báo này sẽ đề cập đến các vấn đề về đa dạng sinh học, vai trò, ý nghĩa của đa dạng sinh học, các nguyên nhân suy giảm đa dạng sinh học hiện nay. Phân tích hiện trạng nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn thiên nhiên Việt Nam và giới thiệu về mô hình hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ và trường Đại học trong công tác xây dựng nhân lực cho các nhà bảo tồn trẻ.
Thuyền cá lúc sáng sớm trên đảo Cù Lao Chàm
Thuyền cá lúc sáng sớm trên đảo Cù Lao Chàm
Đa dạng sinh học là gì?
Đa dạng sinh học là sự đa dạng trong tất cả các dạng sống (thực vật, động vật, nấm, vi khuẩn và các vi sinh vật khác) và ở tất cả các cấp tổ chức (gen, các loài và các hệ sinh thái). Đa dạng sinh học bao gồm cả thành phần cấu trúc, cũng như các thành phần chức năng (đó là, các quá trình sinh thái và tiến hóa), thông qua đó các gen, các loài và các hệ sinh thái tương tác với nhau và với môi trường của chúng
Vai trò của đa dạng sinh học?
Các thành phần của đa dạng sinh học có thể cho những sản phẩm có giá trị kinh tế trực tiếp phục vụ lợi ích của loài người hay những giá trị kinh tế gián tiếp.
Giá trị trực tiếp có thể chia thành hai loại: giá trị tiêu thụ và giá trị sản xuất. Giá trị tiêu thụ bao gồm các sản phẩm tiêu dùng cho cuộc sống hàng ngày như  thức ăn, nước uống, củi đốt, nguyên liệu, da, cây thuốc.... Giá trị sản xuất là giá bán cho các sản phẩm thu lượm được từ thiên nhiên trên thị trường như gỗ, lâm sản ngoài gỗ, các loài dược liệu...
Giá trị gián tiếp của đa dạng sinh học bao gồm những giá trị không cho tiêu thụ như năng suất của hệ sinh thái, chức năng bảo vệ nguồn tài nguyên đất và nước, mối tương tác qua lại giữa các loài hoang dã, cung cấp cây trồng và điều hòa khí hậu. Ngoài ra, đa dạng sinh học là một phần của cơ sở xây dựng ngành du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Giá trị khoa học giáo dục mà ĐDSH mang lại là cả một kho tàng đối với loài người. Đa dạng sinh học cũng có tiềm năng cung cấp những giá trị khác chưa phát hiện nhưng có thể mang lại lợi ích cho tương lai của xã hội loài người.
Vì sao phải bảo tồn đa dạng sinh học?
Bảo tồn đa dạng sinh học cũng có thể dựa trên các nền tảng về kinh tế cũng như nền tảng đạo đức. Lý do này trước hết đề cập về góc độ kinh tế của đa dạng sinh học, đó là những sản phẩm được con người trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng.  Đồng thời một trong những quan niệm đạo đức lớn đó là quyền tồn tại của mỗi loài. Con người không có quyền tiêu diệt các loài mà ngược lại phải nỗ lực hành động nhằm bảo vệ chúng. Tất cả các loài đều quan hệ với nhau: giữa các loài có một quan hệ chằng chịt và phức tạp, là một phần của các quần xã tự nhiên. Việc mất mát của một loài sẽ có ảnh hưởng đến các thành viên khác trong quần xã. Cho nên, chúng ta ý thức được sự cần thiết bảo tồn các loài, bảo tồn đa dạng sinh học cũng chính là bảo vệ mình. Thông điệp xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống (Building shared future for all life) nhân ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2022,  một lần nữa nhấn mạnh việc khẩn thiết cùng hành động bảo vệ  nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trên trái đất. Các sinh vật phải nương tựa vào nhau để sống, sinh vật này là chỗ dựa của sinh vật kia. Chúng tạo thành một chuỗi liên hoàn tồn tại trong thiên nhiên và mỗi sinh vật chỉ là một mắt xích trong chuỗi liên hoàn đó.
Nguyên  nhân của sự suy giảm đa dạng sinh học
Con người chỉ là một trong hàng triệu loài cấu thành nên sự sống trên trái đất, nhưng không thể phủ nhận rằng con người là một dạng sống chi phối các dạng sống còn lại. Chúng ta đã và đang sử dụng ngày càng nhiều nguồn tài nguyên trên trái đất để duy trì và phát triển dân số, chính điều này đã làm cho nhiều loài khác suy giảm hoặc thậm chí biến mất.
Nguy cơ lớn nhất đe dọa đa dạng sinh học là việc mất nơi cư trú. Các nơi cư trú đặc biệt đang bị hủy hoại là các khu rừng mưa, rừng khô nhiệt đới, các vùng đất ngập nước, các vùng đồng cỏ ôn đới, rừng ngập mặn và các rạn san hô. Nơi cư trú bị chia cắt, liên tục bị giảm về diện tích. Hậu quả là làm cho các loài dễ bị mất mát nhanh chóng do tạo ra những rào chắn ngăn cản sự phát tán, định cư và kiếm mồi của động vật.
Việc khai thác quá mức là nguyên nhân thứ hai sau nguyên nhân mất nơi cư trú và là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn các loài đến tuyệt chủng.
Việc khai thác quá mức của con người có một lịch sử lâu dài, đặc biệt là trên các đảo; hiện nay nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm động vât hoang dã là rất lớn, điều này thúc đẫy các hoạt động thương mại động vật hoang dã càng tăng cao, đặc biệt là những loài quý hiếm. Ngoài ra việc sử dụng động vật hoang dã cho nhu cầu thực phẩm của một số người dân sống ở các khu vực nông thôn cũng là mối đe dọa đến sự tồn tại của quần thể. Khai thác quá mức cũng có thể là kết quả của việc đánh bắt vô tình các loài các loài mục tiêu khác trong khi thu hoạch hoặc khai thác cho mục đích giải trí (ví dụ như săn bắn, câu cá, bẫy chim làm cảnh...).
Bên cạnh việc suy giảm kích thước quần thể, khai thác quá mức còn có thể gây hại tới cấu trúc di truyền của quần thể, tuổi, giới tính, loài ưu thế hoặc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái.
Nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam
Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, đang phải đối mặt tình trạng suy giảm trầm trọng đa dạng sinh học cũng như chất lượng các hệ sinh thái. Xây dựng nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên là rất cấp bách hiện nay.
Hiện nay, đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của ngành TN&MT ở Trung ương có trên 1.000 công chức ở các cơ quan hành chính, hơn 10.000 viên chức, người lao động ở các đơn vị sự nghiệp và ở địa phương có trên 30.000 người (gần 20.000 công chức và 10.000 viên chức, người lao động). Đó là chưa kể đến nhân sự chuyên trách về TN&MT trong các khu công nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước, tổng công ty và lực lượng cảnh sát môi trường [7]. Bộ TN&MT hiện có 2 Trường Đại học và 3 Viện đang đào tạo trình độ sau đại học là các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực TN&MT chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng..
Mặc dù vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành TN&MT còn những khó khăn nhất định. Hệ thống văn bản quy định, quản lý về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chưa đầy đủ và đồng bộ, chưa có quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức để thực hiện thống nhất trong các cơ sở đào tạo. Nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị phục vụ học tập, giảng dạy [7]
Việc đào tạo ở trường còn mất cân đối giữa các lĩnh vực. Ví dụ: ngành học  đất đai, môi trường đào tạo nhiều hơn nhu cầu thực tế. Trong khi đó các lĩnh vực còn thiếu hụt nguồn nhân lực như: quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, khí tượng, địa chất, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, định giá và kinh tế hoá trong quản lý tài nguyên. Riêng nguồn nhân lực được đào tạo cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học còn khá hạn chế [1].
Mô hình hợp tác giữa tổ chức phi chính phủ quốc tế và các trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn thiên nhiên
Để tìm ra hướng giải quyết cho bài toán chất lượng đào tạo nhân lực cũng như việc mất cân đối trong đào tạo giữa các chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và môi trường, cần phải: (1) đánh giá nhu cầu và thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực, (2) phát triển các mô hình đào tạo nhân lực hiệu quả, (3) kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu, và (4) phối hợp giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng nhân lực, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Các giải pháp bền vững trong công tác bảo tồn hiện nay sẽ rất khó có lời giải đáp nếu không có nhân lực địa phương đi đầu trong công tác bảo tồn nơi mình sinh sống [6]. Chính vì vậy xây dựng nguồn nhân lực bằng một mô hình đào tạo hiệu quả, vừa phát huy được nguồn nhân lực của địa phương của mỗi quốc gia và vừa huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là hướng đi nhận được nhiều sự ủng hộ hiện nay.
Mô hình kết hợp đào tạo và nghiên cứu giữa các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ quốc tế với mục tiêu đào tạo nhân lực cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hiện đang áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể liệt kê một số chương trình hợp tác như Chương trình Sáng kiến bảo tồn ​​Cambridge (The Cambridge Conservation Initiative - CCI), được thành lập vào năm 2007, đây là một sự hợp tác hiệu quả giữa Đại học Cambridge và 8 tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học quốc tế hàng đầu tại Cambridge và vùng lân cận Cambridge, Vương quốc Anh. CCI đã đưa các kinh nghiệm, kiến thức, thực tế và chính sách bảo tồn trên thế giới vào công tác đào tạo, nghiên cứu thông qua các đối tác là các tổ chức bảo tồn và mạng lưới thành viên. Hằng năm CCI đã hỗ trợ đào tạo các khóa học thạc sĩ trong quản lý và lãnh đạo bảo tồn (The MPhil degree in Conservation Leadership), mang tới sự chuyên nghiệp trong phương thức đào tạo các nhà lãnh đạo bảo tồn và giáo dục liên ngành, từng bước tạo ra những thay đổi lớn trong công tác lãnh đạo bảo tồn ở nhiều quốc gia trên thế giới [5].
Chương trình Lãnh đạo Bảo tồn ‘Conservation leadership programme” (CLP) được khởi xướng vào năm 1985 để đáp ứng nhu cầu thu thập thêm các dữ liệu khoa học các loài bị đe dọa. Chương trình này tập trung vào việc tài trợ cho các sinh viên đại học ở Anh thu thập dữ liệu về đa dạng sinh học ở nước ngoài trong thời gian nghỉ hè. Theo thời gian, chương trình đã phát triển để đáp ứng với  sự thay đổi trong công tác bảo tồn và đã trở thành một chương trình xây dựng năng lực quốc tế, hỗ trợ cho các nhà bảo tồn trẻ thực hiện các dự án bảo tồn đa dạng sinh học tại các nước kém phát triển hơn. Kể từ khi thành lập, CLP đã hỗ trợ đào tạo, phát triển nghề nghiệp cho hơn 2.500 nhà bảo tồn trên toàn cầu. Thông qua hỗ trợ cho hơn 600 dự án bảo tồn và chương trình thực tập tại 100 quốc gia, tập trung vào vấn đề ưu tiên cao trong bảo tồn và cung cấp các khóa đào tạo đa ngành và trải nghiệm thực tế [4].
Cùng với sự nỗ lực của rất nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế khác đã thực sự tạo ra những bước tiến đáng kể trong đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn trong thời gian qua. Các trung tâm bảo tồn như Centre for Tropical Research (CTR) kết hợp với các trường đại học Khoa học và Kỹ thuật tại Masuku tổ chức các khóa đào tạo thường niên trong việc thiết lập một dự án nghiên cứu sinh thái nhiệt đới, cung cấp các cơ hội phát triển chuyên nghiệp cho 33 nhà bảo tồn trẻ hằng năm [3]. Thực tiễn cho thấy việc thu hẹp khoảng cách giữa các tổ chức nghiên cứu đào tạo, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đồng thời nâng cao chất lượng khoa học trong quyết định bảo tồn, sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực.
Nghiên cứu trường hợp: Mô hình hợp tác giữa Hội động vật học Frankfurt (Frankfurt Zoological Society) và Đại học Đà Nẵng trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học ngành sinh thái học.
Giới thiệu
Hội động vật học Frankfurt (Frankfurt Zoological Society - FZS) được thành lập vào năm 1958, là một tổ chức độc lập,  phi lợi nhuận và hoạt động trên phạm vi quốc tế. Sứ mạng của hội là cam kết bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học và các vùng sinh thái quan trọng cho các thế hệ mai sau. Hội động vật học Frankfurt hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992 khởi đầu với dự án bảo tồn Vườn quốc gia Cúc Phương tại Ninh Bình. Đến nay, Hội đã hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam gần 25 năm.
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực địa phương phục vụ hiệu quả cho công tác bảo tồn thiên nhiên đã được Hội nhấn mạnh trong mục tiêu hoạt động. Từ năm 2006, Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam và Đại học Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức các khóa tập huấn cho sinh viên về bảo tồn linh trưởng tại Việt Nam. Ngoài ra, FZS còn tiến hành các tài trợ nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu trong các hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên. Năm 2011, Hội động vật học Frankfurt và Trường đại học Sư phạm đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác, đồng thời lập văn phòng hợp tác tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Trên cơ sở của bản ký kết, hai bên sẽ hợp tác cùng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học tập trung chủ yếu ở khu vực miền trung và Tây Nguyên Việt Nam. Đơn vị trực tiếp phối hợp thực hiện hoạt động hợp tác là Khoa Sinh - Môi Trường. Mô hình hợp tác được đánh giá là phù hợp với xu hướng chung trong đào tạo nhân lực cho bảo tồn thiên nhiên hiện nay trên thế giới.
Các hoạt động hợp tác chính:
1. Tổ chức khóa tập huấn thường niên cho sinh viên Đại học Đà Nẵng về bảo tồn đa dạng sinh học và thú linh trưởng.
2. Hỗ trợ học bổng cho sinh viên, giảng viên Đại học Đà Nẵng thực hiện các nghiên cứu về Đa dạng sinh học và Bảo tồn thiên nhiên. Phối hợp thực hiện các chương trình hợp tác, nghiên cứu khoa học và giảng dạy trong và ngoài nước.
3. Tổ chức các buổi seminar, hội thảo trong nước và quốc tế nhằm trao đổi và nâng cao hiểu biết về bảo tồn thiên nhiên, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.
4. Xây dựng và phát triển thư viện chuyên đề,  hỗ trợ các tình nguyện viên nước ngoài hỗ trợ cho các hoạt động phát triển Văn phòng hợp tác và Khoa, Các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và môi trường.
Kết quả về đào tạo và nghiên cứu
Hoạt động tập huấn
Từ năm 2006 đến năm 2021, FZS đã phối hợp với trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng tổ chức 15 khóa tập huấn về bảo tồn thú linh trưởng cho hơn 300 sinh viên. Các học viên tham dự khóa tập huấn được trang bị các kiến thức về linh trưởng trên thế giới và Việt Nam; kiến thức căn bản về luật bảo vệ động vật hoang dã; các phương pháp nghiên cứu ngoài thực địa,  xử lý số liệu và viết báo cáo khoa học. Khóa tập huấn được tổ chức trong 9 ngày, học viên được tham gia thực địa ở các khu bảo tồn hoặc Vườn quốc gia như Khu BTTN Bà Nà Núi Chúa, Khu BTTN Sơn Trà, VQG Kon Ka Kinh…
Thông qua các đợt tập huấn, một số kết quả đạt được trong công tác đào tạo và nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với sinh viên gồm: (1) Cải thiện kỹ năng nghiên cứu trong bảo tồn, (2) Nâng cao nhận thức trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, (3) Xây dựng dữ liệu đa dạng sinh học trong vùng..
Hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học
Đến năm 2021, FZS đã hỗ trợ 45 học bổng NCKH cho sinh viên, 20 bài báo khoa học đã được xuất bản trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng khá đa dạng với các nghiên cứu thực địa về phân bố, tập tính động vật, nâng cao nhận thức bảo tồn, ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn thiên nhiên... Để trang bị kiến thức khoa học và cập nhật nghiên cứu cho sinh viên, Văn phòng hợp tác mời các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước đến chia sẻ cho sinh viên các nghiên cứu về bảo tồn thiên nhiên, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, cũng như các dự án đang thực hiện. Trung bình mỗi năm có khoảng 6 seminar được tổ chức. Đồng thời hỗ trợ các nghiên cứu sinh từ nhiều trường đại học trên thế giới như Đại học Colorado (USA), Đại học Kristianstad (Thụy Điển) thực hiện nghiên cứu trong các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên.
Hoạt động hỗ trợ tài liệu học tập và nghiên cứu
Nhằm mang lại điều kiện thuận lợi cho học viên, sinh viên trong việc tự học tập, nghiên cứu về bảo tồn sinh học, môi trường và thiên nhiên cho sinh viên, Văn phòng hợp tác đã thiết lập thư viện chuyên đề về môi trường và đa dạng sinh học tại Khoa Sinh - Môi Trường để cung cấp các tài liệu chuyên khảo làm cơ sở cho công tác học tập và nghiên cứu của sinh viên và giảng viên.
 Hiệu quả của hoạt động hợp tác đối với việc phát triển nguồn nhân lực địa phương
Nhân lực cho công tác bảo tồn thiên nhiên tại khu vực
Kết quả khảo sát cho thấy 100% cựu sinh viên cho biết các khóa tập huấn về bảo tồn rất cần thiết trong định hướng nghề nghiệp và kỹ năng cho công việc và học tập trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên. Đến năm 2021, gần 10% cựu sinh viên của khóa tập huấn hiện làm việc trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên cho các vườn quốc gia, viện nghiên cứu, trường ĐH. Đặc biệt, nhiều sinh viên làm việc trong chương trình bảo tồn đa dạng sinh học cho các tổ chức phi chính phủ như (Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh - GreenViet, Hội động vật học Frankfurt, Action for the City...) tại khu vực miền trung và tây nguyên Việt nam.
Mạng lưới cựu sinh viên hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên được thành lập, mục đích hỗ trợ sinh viên thực hiện NCKH, phát triển năng lực nghề nghiệp và tăng cường kết nối nội lực cộng đồng các nhà bảo tồn thiên nhiên trẻ Việt Nam.
Trong hơn 10 năm hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa hội động vật học Frankfurt và Đại học Đà Nẵng đã có những kết quả ban đầu. Trong đó các hoạt động thực địa, các khóa tập huấn bảo tồn thú linh trưởng hằng năm là những hoạt động được đông đảo sinh viên hưởng ứng mạnh mẽ. Hoạt động này đã mang lại những thay đổi lớn trong thái độ và nhận thức của sinh viên với công tác bảo tồn thiên nhiên. Từ đó dần mang tới những thay đổi trong hành vi và cách ứng xử với thiên nhiên, tích cực hơn trong các công tác bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. 
Thông qua các buổi seminar, hội thảo khoa học đã mang tới cho sinh viên và giảng viên nhiều góc nhìn mới trong phân tích vấn đề và cập nhật các hướng nghiên cứu trên thế giới về sinh thái, môi trường và tài nguyên sinh vật. Chính vì vậy việc tăng cường tương tác, trao đổi thông tin trong nghiên cứu khoa học cần phải được tiếp tục phát huy hơn nữa.
Đánh giá về số lượng các công trình nghiên cứu khoa học được công bố vẫn còn khá khiếm tốn, do vậy rất cần tăng cường sự hỗ trợ từ phía đội ngũ giảng viên nhà trường với sinh viên trong các hoạt động nghiên cứu và xuất bản. Đồng thời việc tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên giữa các trường trên thế giới là hoạt động cần thúc đẫy trong thời gian tới.
 KẾT LUẬN
Đa dạng sinh học là một phần thiết yếu của sự sống. Sự thành công trong công tác bảo tồn thiên nhiên Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ hiệu quả cho công tác bảo tồn. Do vậy rất cần xây dựng một cơ chế hợp tác với các cơ quan tổ chức sử dụng lao động, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các viện nghiên cứu, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hơn với nhu cầu thực tế. Cần tăng cường các hoạt động thực địa, để sinh viên được tiếp cận với thực tiễn nhiều hơn. Đồng thời khuyến khích sinh viên tích cực tham gia các tổ chức, hiệp hội bảo tồn thiên nhiên, hỗ trợ các nhóm bảo tồn địa phương và quốc tế. Khuyến khích sinh viên trau dồi thêm ngoại ngữ, gặp gỡ, trao đổi học thuật với nhiều nhà khoa học từ nhiều địa phương, nhiều đất nước khác nhau để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm phục vụ cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Mô hình hợp tác giữa trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng và Hội động vật học Frankfurt đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu tại các trường đại học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Khắc Thạc (2005), Thực trạng công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại một số cơ sở đào tạo quy mô lớn, Tham luận tại Hội nghị mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường.
2. Al Binger, Kamelia Georgieva, Ashok Khosla, Mona Makram-Ebeid, Marie-Angelique Savane, Alvaro Umaña (2002), Capacity 21 Evaluation Report 1993–2001, Bureau for Development Policy.
3. Center for tropical research (CTR) (unit of the Institute of the Environment and Sustainability), newsletter - workshop reports 2015.
4.Conservation Leadership Programme (CLP) 2014 annual report, http://www.conservationleadershipprogramme.org/
5. MPhil in Conservation Leadership,  the University of Cambridge's Department of Geography,  the Cambridge Conservation Initiative (CCI), 2015 Issue of the Conservation Leadership Alumni Network (CLAN) Newsletter.
6. Rodríquez, J.P., Rodríquez-Clark, K.M., Oliveira-Miranda, M.A., Good, T., Grajal, A., (2006). Professional capacity building: the missing agenda in conservation priority setting. Conservation Biology 20:1340-1341.
7. http://stnmt.kontum.gov.vn/vi/news/tin-tuc-su-kien/tao-dung-nguon-nhan-luc-nganh-tai-nguyen-va-moi-truong-chat-luong-cao-1868.html)
Nguyễn Thị Kim Yến, Hà Thăng Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây