Nội dung trên nằm trong khuôn khổ Tọa đàm “Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Văn hóa học” được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng vào chiều ngày 22/4. Đây là một trong nhiều hoạt động hướng đến kỉ niệm 15 năm thành lập ngành Văn hóa học thuộc Khoa Ngữ văn.
Tham dự tọa đàm, về phía khách mời, có các đại biểu đến từ Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Sở Văn hóa thể thao Đà Nẵng, Trung tâm văn hóa – điện ảnh thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Đại học Sư phạm ĐN cùng các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực du lịch, quản lý nhà hàng, khách sạn.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Thanh Trường – Trưởng bộ môn Lý luận văn học, Văn học nước ngoài và Văn hóa học chia sẻ: “Bên cạnh trang bị tri thức cho sinh viên thì định hướng nghề nghiệp luôn là điều trăn trở của đơn vị đào tạo. Đó không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, khoa chuyên môn mà còn là nhiệm vụ của giảng viên ngành Văn hóa. Vì vậy, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động, giúp các em sinh viên định hướng nghề nghiệp, chinh phục thử thách, rèn luyện bản thân, bổ sung kiến thức và kĩ năng đáp ứng đặc thù công việc.”
TS. Nguyễn Thanh Trường – Trưởng Ban Tổ chức phát biểu khai mạc tọa đàm.
Theo đó, buổi tọa đàm còn là cơ hội giúp sinh viên gặp gỡ các lãnh đạo ban ngành trên địa bàn thành phố, chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, giúp người học hình dung rõ hơn về tính chất nghề nghiệp.
Trong phần giao lưu giữa sinh viên với các nhà tuyển dụng, ThS. Nguyễn Thị Trinh – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ngoại ngữ đối với sinh viên ngành Văn hóa học. “Dù bạn có học ngành nào thì khả năng giao tiếp bằng tiếng anh đều đem lại rất nhiều cơ hội cho bạn, hãy tích cực trau dồi, phải giao tiếp tiếng anh bằng được, khi đó tôi tin rằng bạn sẽ phát triển nhanh hơn ở bất kì lĩnh vực nào.”
Phần giao lưu với các nhà tuyển dụng đã cung cấp nhiều thông tin thiết thực cho sinh viên.
Trong khi đó, chị Dương Lê Phương – Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và thể thao Đà Nẵng dành nhiều lời khuyên dưới vai trò là người làm quản lý. Chị đề cập tới 3 yếu tố, bao gồm: đọc nhiều, nói tốt, viết tốt. Cùng với quá trình đào tạo bài bản tại trường, 3 khả năng này sẽ là điều kiện cần để sinh viên ngành Văn hóa học sau khi ra trường có thể đạt được những vị trí cao trong công việc.
Đồng thời, theo chị Dương Lê Phương, sinh viên ngành Văn hóa học cần trau dồi thêm các kĩ năng như trao đổi bằng văn nói và văn viết, làm thế nào để trong thời gian ngắn chuyển tải được điều người nghe muốn nghe và người nói muốn nói. Cùng với đó, sinh viên cần tích cực rèn luyện thêm văn phong và khả năng phân tích dữ liệu.
Một yếu tố khác cũng được nhắc đến trong phần này là yếu tố “đam mê” mà anh Cao Tấn Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa – điện ảnh thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh. “Văn hóa là một phạm trù rất rộng, bao quát tất cả các ngành nghề. Khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Văn hóa có thể tiếp cận và làm việc ở các ngành liên quan đến vui chơi giải trí, du lịch, hoạt động văn hóa,…Nhưng dẫu thế nào đi nữa, khi đến với ngành này, các bạn cần có sự đam mê. Không chỉ tìm kiếm được việc làm, nó sẽ giúp các bạn thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.”
Anh Cao Tấn Đạt chia sẻ những cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật.
Tọa đàm đã thu hút đông đảo sinh viên ngành Văn hóa học và sinh viên quan tâm đến Văn hóa tham dự. Nhân dịp gặp gỡ trực tiếp với các nhà tuyển dụng, nhiều sinh viên đã đặt ra vấn đề tuyển dụng sau khi ra trường bao gồm: sinh viên khoa Lịch sử có thể làm Văn hóa được không? Cơ hội tuyển dụng cho sinh viên tại Bảo tàng Đà Nẵng, hay những điều kiện cần chuẩn bị khi thực tập tại cơ quan, ban ngành liên quan đến văn hóa.
Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng
Trả lời thắc mắc của sinh viên, anh Cao Tấn Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa – điện ảnh thành phố Đà Nẵng cho biết: “Lịch sử cũng chính là văn hóa, là một phần của văn hóa. Vì vậy, học Lịch sử vẫn có thể công tác trong ngành Văn hóa.” Ý kiến này nhận được sự đồng tình của các khách mời có mặt trong tọa đàm, bởi nhiều người công tác trong ngành Văn hóa đã từng là sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm ĐN.
Ngoài phần giao lưu với nhà tuyển dụng, tọa đàm còn là dịp trở về của các cựu sinh viên ngành Văn hóa học. Nhân dịp này, các anh chị đi trước đã dành nhiều lời khuyên cho các khóa sinh viên đang theo học. Bằng những trải nghiệm của bản thân, các cựu sinh viên cùng truyền tải thông điệp như: tích cực học tập, rèn luyện, trau dồi các kĩ năng giao tiếp ứng xử, làm việc nhóm,… trang bị cho bản thân kiến thức bao quát các lĩnh vực đời sống, đến khi ấy, cơ hội nghề nghiệp sẽ luôn rộng mở.
Cựu sinh viên tặng quà lưu niệm cho Tổ bộ môn nhân dịp trở về trường.
Diệu Châu – Vũ Hoàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn