Chào mừng Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN: Dấu ấn lãnh đạo toàn diện, khẳng định vị thế tiên phong trong giáo dục và nghiên cứu
Thứ ba - 06/05/2025 15:44
Trong nhiệm kỳ 2020–2025, Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị, giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện, dẫn dắt Nhà trường vượt qua nhiều khó khăn, và để lại những dấu ấn nổi bật về sự đổi mới, sáng tạo, hội nhập mạnh mẽ. Chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2025 – 2030 sắp diễn ra, hãy cùng nhìn lại 10 dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Công tác Đảng – Nền tảng chính trị vững vàng
Trong bối cảnh nhiều thách thức và cơ hội đan xen, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên UED đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, tạo nên những bước chuyển mình ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Nhà trường đã vươn lên, khẳng định bản lĩnh, giữ vững vai trò là một trong những lá cờ đầu của hệ thống giáo dục Việt Nam.
Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng không ngừng củng cố sức mạnh chính trị
và khối đoàn kết nội bộ, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện
Bước vào kỷ nguyên hội nhập và chuyển mình mạnh mẽ, Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng không ngừng củng cố sức mạnh chính trị và khối đoàn kết nội bộ, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện. Kết quả nổi bật là 193 đảng viên mới đã được kết nạp – vượt 22% chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 89,47%. Đây không chỉ là dấu ấn thể hiện hiệu quả công tác Đảng, khẳng định vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh chính trị vững vàng của từng tổ chức cơ sở Đảng. Và đồng thời, cũng là nền móng vững chắc để Nhà trường tiếp tục bứt phá và phát triển. Phát triển đội ngũ – Đột phá về chất lượng nhân lực
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng tự hào với đội ngũ giảng viên có trình độ phó giáo sư, tiên sĩ chiếm gần 63% - cao thứ 2 trong toàn Đại học Đà Nẵng và gấp đôi mặt bằng chung của cả nước.
Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN tự hào với đội ngũ giảng viên có trình độ phó giáo sư, tiên sĩ chiếm gần 63%.
Yếu tố then chốt để có được thành quả này là chiến lược phát triển nhân lực bài bản, minh bạch trong tuyển dụng, nghiêm túc trong bồi dưỡng và dài hạn trong hoạch định chuyên môn.
Từ giảng đường, phòng thí nghiệm, đến các sự kiện, hội thảo khoa học… đều ghi dấu sự nỗ lực bền bỉ, không ngừng của tập thể cán bộ, giảng viên, viên chức và người học UED.
Quy mô đào tạo tăng cả lượng và chất
Nhà trường hiện có hơn 10.000 sinh viên chính quy, hơn 1.400 học viên sau đại học và gần 2.000 học viên hệ vừa làm vừa học. Đặc biệt, UED đang dần trở thành điểm đến lý tưởng của sinh viên quốc tế với hơn 350 lưu học sinh đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới đang theo học nhiều chương trình, ở tất cả các bậc đào tạo từ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Tỉ lệ sinh viên học chuyên ngành đã đạt trên 50% số lượng sinh viên quốc tế của UED. UED cũng là trường đại học có số lượng sinh viên quốc tế đông nhất, chiếm luôn trên 50% tổng số sinh viên quốc tế của Đại học Đà Nẵng.
Nhà trường hiện đào tạo 34 ngành trình độ đại học, 25 ngành thạc sĩ và 10 ngành tiến sĩ.
Nhà trường hiện đào tạo 34 ngành trình độ đại học, 25 ngành thạc sĩ và 10 ngành tiến sĩ. Trong 5 năm, đã mở mới 18 chương trình đào tạo, trong đó có nhiều ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội. Tổng quy mô đào tạo đạt trên 10.000 sinh viên chính quy, 1.400 học viên sau đại học, 350 lưu học sinh quốc tế và gần 2.000 học viên hệ vừa làm vừa học. Công tác đảm bảo chất lượng được chú trọng với 23 chương trình đạt chuẩn kiểm định trong nước, 4 chương trình đạt kiểm định quốc tế
Khoa học công nghệ - Chiến lược vươn tầm
Với sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của Đảng, nhiệm kỳ 2020–2025, công tác khoa học và công nghệ của Nhà trường đã tạo nên những dấu ấn phát triển vượt bậc. Nhận thức rõ vai trò của nghiên cứu khoa học đối với sự phát triển bền vững, Đảng bộ Nhà trường đã đề ra các chủ trương, định hướng chiến lược rõ ràng; kịp thời tạo hành lang thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, giảng viên phát huy năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, toàn trường đã có gần 2.000 bài báo khoa học được công bố.
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, toàn trường đã có gần 2.000 bài báo khoa học được công bố, trong đó có 502 bài thuộc các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín như WoS và Scopus – Số liệu này gấp đôi so với tỷ lệ trung bình giảng viên của Việt Nam có bài báo khoa học công bố.
Bên cạnh đó, gần 70 đề tài cấp Bộ, Nafosted, cấp địa phương, dự án hợp tác quốc tế và nghiên cứu liên ngành đã được triển khai hiệu quả, khẳng định vị thế học thuật và khả năng tư vấn, phản biện chính sách trong lĩnh vực khoa học giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn của Nhà trường.
Nhà trường tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế và là điểm kết nối của các các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, nhà quản lý, doanh nghiệp. Hợp tác quốc tế - Vươn ra biển lớn
Dưới sự lãnh đạo quyết liệt và định hướng chiến lược của Đảng bộ, công tác hợp tác quốc tế của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng trong 05 năm qua đã có những bước tiến mạnh mẽ.
UED đã khẳng định được vị thế trong cộng động học thuật quốc tế,
đồng thời tạo cơ hội để giảng viên, sinh viên giao lưu, học hỏi và cập nhật những xu hướng mới,
mang lại sự hội nhập sâu rộng và lan toả học hiệu UED ra toàn thế giới.
Nhà trường đã ký kết hơn 40 văn bản MoU và MoA với các trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới. Trường đã xây dựng được 09 chương trình đào tạo cho đối tác và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập. Tỷ lệ sinh viên và giảng viên tham gia các chương trình trao đổi, thực tập, nghiên cứu tại nước ngoài tăng gần 40% so với đầu nhiệm kỳ… Bên cạnh đó, Nhà trường cũng phối hợp với các tổ chức, đối tác quốc tế, tổ chức nhiều chương trình, hội thảo khoa học lớn ngay tại Trường. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế UED trong cộng động học thuật quốc tế, đồng thời tạo cơ hội để giảng viên, sinh viên giao lưu, học hỏi và cập nhật những xu hướng mới, mang lại sự hội nhập sâu rộng và lan toả học hiệu UED ra toàn thế giới. Bảo đảm chất lượng – Khẳng định đẳng cấp
Với phương châm “lấy người học làm trung tâm”, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng luôn coi đảm bảo chất lượng là nền tảng cốt lõi để phát triển bền vững. Trong nhiệm kỳ 2020–2025, dưới sự lãnh đạo nhất quán, sâu sát của Đảng bộ, công tác kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục đã có những bước tiến rõ rệt, tạo nên dấu ấn đậm nét trong hành trình nâng tầm học hiệu.
Tính đến tháng 4 năm 2025, Trường đã có 27 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn,
trong đó 4 chương trình đạt chuẩn chất lượng quốc tế
Tính đến tháng 4 năm 2025, Trường đã có 27 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn, trong đó 4 chương trình đạt chuẩn chất lượng quốc tế. UED là đơn vị dẫn đầu Đại học Đà Nẵng về tốc độ tăng trưởng số CTĐT đạt chuẩn đồng thời cũng là đơn vị nằm trong top đầu các trường sư phạm của cả nước về số lượng CTĐT đạt chuẩn – khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo ngang tầm khu vực.
Không chỉ đáp ứng các yêu cầu kiểm định một cách nghiêm túc, UED còn tiên phong trong việc đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận đánh giá, hướng đến phát triển toàn diện người học và nâng cao chất lượng đội ngũ. Cơ sở vật chất hiện đại, thân thiện
Dưới sự lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, thân thiện và mang đậm bản sắc văn hoá – góp phần xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện, bền vững.
Khuôn viên nhà trường không ngừng được cải tạo và chỉnh trang, với hệ thống cơ sở vật chất thông minh, hiện đại, gắn liền với không gian xanh… tạo điều kiện tối ưu cho việc học tập, nghiên cứu và truyền cảm hứng cho người làm, người học.
Khuôn viên nhà trường không ngừng được cải tạo và chỉnh trang,
với hệ thống cơ sở vật chất thông minh, hiện đại, gắn liền với không gian xanh…
Đặc biệt, những công trình văn hoá biểu tượng được xây dựng không chỉ là điểm nhấn nghệ thuật, mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc – góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương, gìn giữ bản sắc dân tộc và khơi dậy tinh thần đổi mới trong thế hệ trẻ. Phục vụ cộng đồng – Sư mệnh giáo dục lan toả
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng xác định phục vụ cộng đồng là sứ mệnh góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội trong bối cảnh toàn cầu. Một trong những hoạt động nổi bật là chương trình bồi dưỡng giáo viên thông qua dự án ETEP, với gần 50.000 lượt giáo viên được đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, góp phần quan trọng vào sự thành công của chương trình đổi mới giáo dục toàn diện ở Việt Nam.
Nhà trường cũng tổ chức nhiều chương trình, hội thảo và các lớp học chuyên đề, mang lại giá trị học thuật sâu sắc, giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các đối tượng khác nhau trong xã hội.
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng xác định phục vụ cộng đồng
là sứ mệnh góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội trong bối cảnh toàn cầu.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể của Nhà trường cũng triển khai nhiều chương trình thiện nguyện, trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh hàng năm với nhiều hoạt động ý nghĩa đã mang tri thức phục vụ cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Nhà trường đều có những hành động thiết thực góp phần lan tỏa yêu thương và các giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần xây dựng một cộng đồng bền vững và phát triển toàn diện.
Truyền thông lan toả tri thức
Trong thời đại số, truyền thông không chỉ là cầu nối thông tin, mà còn là sức mạnh lan tỏa giá trị cốt lõi và hình ảnh tích cực của một tổ chức giáo dục. Nhận thức sâu sắc vai trò này, Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã chỉ đạo phát triển toàn diện công tác truyền thông, đưa UED trở thành một thương hiệu học thuật có chiều sâu, sáng tạo và gần gũi với xã hội.
Hệ sinh thái truyền thông UED ngày càng được mở rộng và chuyên nghiệp hoá.
Hệ sinh thái truyền thông ngày càng được mở rộng và chuyên nghiệp hoá, từ website, fanpage, đặc biệt là UED TV – kênh truyền hình nội bộ do chính sinh viên thực hiện vừa lan tỏa hình ảnh nhà trường, vừa là môi trường thực hành lý tưởng cho người học.
Bản tin truyền thông nội bộ ra đời đã bước đầu trở thành chiếc cầu nối gắn kết các thành viên trong mái nhà chung UED – góp phần tăng cường sự gắn kết, minh bạch, lan toả văn hoá Nhà trường và tạo sự đồng thuận, đồng lòng vì một Nhà trường hạnh phúc!
Với sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng của hoạt động truyền thông, hình ảnh Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng trong nhiệm kỳ qua cũng được khắc họa, giới thiệu đậm nét trên các phương tiện thông tin báo chí, các nền tạng mạng xã hội và lan toả trong cộng đồng. Đời sống viên chức tăng trưởng bền vững
Một trong những thành tựu mang tính nền tảng trong nhiệm kỳ 2020–2025 là sự chuyển biến rõ nét trong đời sống vật chất và tinh thần của viên chức, người lao động Nhà trường. Dưới sự lãnh đạo sâu sát và chủ trương quản trị bền vững, công bằng, nhân văn của Đảng bộ, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã không ngừng nâng cao chất lượng môi trường làm việc và đảm bảo thu nhập cho đội ngũ – những người trực tiếp góp phần làm nên uy tín và thành công của Nhà trường.
Đời sống tinh thần viên chức người lao động UED được quan tâm chăm lo toàn diện.
Thu nhập bình quân của cán bộ, giảng viên tăng ổn định qua các năm, từ mức 18 triệu đồng vào năm 2020 lên hơn 25 triệu đồng vào năm 2024. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần viên chức người lao động được quan tâm chăm lo toàn diện. Các phong trào thi đua, hoạt động của các tổ chức đoàn thể diễn ra sôi nổi, phong phú, tạo môi trường làm việc thân thiện, cởi mở và giàu tính hỗ trợ – nơi mỗi cá nhân được lắng nghe, được phát triển, và được ghi nhận xứng đáng.
Những thành tựu đáng tự hào trong nhiệm kỳ vừa qua là kết quả của sự đồng lòng, chính sách đúng đắn, chiến lược tầm nhìn và tinh thần cống hiến không ngừng của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng. Đây là nền tảng vững chắc để đến năm 2030, UED trở thành 1 trong 3 trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu Việt Nam. Và đến 2045, trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo đặc sắc, dẫn đầu trong liên kết giáo dục – khoa học – văn hóa của Đông Nam Á.