Tọa đàm “Nhà văn Phan Tứ – Sáng tạo và Di sản”: Lan tỏa giá trị văn học, truyền cảm hứng thế hệ trẻ
Thứ sáu - 23/05/2025 21:49
Chiều ngày 23/5, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng phối hợp với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng, Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng và gia đình nhà văn Phan Tứ tổ chức tọa đàm khoa học “Nhà văn Phan Tứ – Sáng tạo và Di sản”. Chương trình trở thành một dấu ấn văn hóa – học thuật đặc biệt, góp phần lan tỏa giá trị văn học và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Sự kiện được tổ chức tại Hội trường 202, Tòa nhà Đoàn kết của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng với sự tham dự của đông đảo nhà nghiên cứu, nhà văn, giảng viên, sinh viên và công chúng yêu văn chương. Đây là dịp để nhìn lại, suy ngẫm và tiếp tục lan tỏa giá trị tư tưởng – nghệ thuật từ di sản văn học mà nhà văn Phan Tứ để lại.
Các diễn giả trao đổi tại Chương trình Tọa đàm.
Gia đình nhà văn Phan Tứ tham dự Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Chương trình, PGS.TS. Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã nhấn mạnh vai trò biểu tượng của nhà văn Phan Tứ trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Theo PGS.TS Võ Văn Minh, nhà văn Phan Tứ không chỉ viết nên trang văn, mà còn thắp lên giá trị sống. Người con ưu tú của xứ Quảng, người chiến sĩ cầm bút đã để lại dấu ấn đậm nét trong dòng chảy văn học kháng chiến và hậu chiến Việt Nam. Ông là biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh và lòng yêu nước. Tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm như “Mẫn và tôi”, “Gia đình má Bảy” - đậm chất sử thi, chân thật, giàu xúc cảm – và cả một đời âm thầm cống hiến, vượt lên nghịch cảnh như chính những nhân vật sống động của ông.
PGS.TS. Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng phát biểu khai mạc.
Đại diện gia đình Nhà văn Phan Tứ tặng quà lưu niệm cho Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.
PGS.TS. Võ Văn Minh cũng cho rằng, Chương trình Tọa đàm không chỉ là dịp để tri ân một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam, mà còn là cơ hội để gieo vào lòng thế hệ trẻ những hạt mầm sống – mầm sáng tạo – mầm trách nhiệm công dân. Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng cũng đồng thời gửi gắm thông điệp “Di sản không phải là điều để chiêm ngưỡng một lần rồi quên lãng. Di sản là một lời mời gọi – mời chúng ta đối thoại với quá khứ, để soi sáng hiện tại và kiến tạo tương lai”.
Các nhà văn, nhà nghiên cứu trình bày tham luận tại Tọa đàm.
TS. Trần Thị Ánh Nguyệt và TS. Lê Hưng Tiến
(Giảng viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng” tham luận tại Tọa đàm.
Tại tọa đàm, nhiều tham luận đến từ các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đã cùng nhau phân tích chiều sâu tư tưởng và giá trị nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn Phan Tứ, đồng thời chia sẻ những góc nhìn mới mẻ về cách tiếp cận tác phẩm văn học trong giảng dạy và học tập hiện đại. Qua đó, hình ảnh nhà văn – chiến sĩ Phan Tứ được tái hiện rõ nét, không chỉ như một biểu tượng văn học mà còn là tấm gương về nghị lực sống và khát vọng cống hiến.
Sinh viên Lê Thị Yến Nhi (Khoa Ngữ văn – Truyền thông)
trình bày bài thơ “Nghĩ về Phan Tứ” của Nhà thơ Bùi Công Minh.
Tại Chương trình, Quỹ Khuyến học Nhà văn Phan Tứ đã trao 15 suất học bổng cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng. Đây là hoạt động thiết thực, khẳng định giá trị lâu dài của di sản Phan Tứ không chỉ trong sách vở, mà còn sống động trong lý tưởng, tinh thần học tập và sáng tạo của thế hệ trẻ hôm nay.
PGS.TS. Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng trao học bổng cho sinh viên.
Phát biểu bế mạc chương trình, Nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân – Chủ tịch Chi hội Nhà văn Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng gửi lời cảm ơn và bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng trong việc phối hợp tổ chức thành công buổi tọa đàm. Ông nhấn mạnh, đây là hoạt động có ý nghĩa không chỉ về mặt học thuật mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần làm sống dậy di sản văn học của nhà văn Phan Tứ, đồng thời truyền cảm hứng sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu văn chương cho thế hệ trẻ. Sự kiện cũng là một minh chứng cho sức sống bền bỉ của văn học trong đời sống tinh thần đương đại và vai trò cầu nối giữa các thế hệ qua những giá trị tư tưởng – nghệ thuật lâu dài.