Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Lý - đại diện Ngân hàng thế giới World Bank tại Việt Nam, TS. Phạm Như Nghệ - Phó Cục trưởng Cục Giáo dục Đại học, PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng – Giám đốc chương trình ETEP, cùng đại diện các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ GD&ĐT, lãnh đạo đến từ các trường đại học sư phạm trên cả nước, các chuyên gia tư vấn, cán bộ quản lý thuộc Dự án ETEP và hơn 100 cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu thống nhất số lượng, danh mục và khung chuẩn đầu ra cho các chương trình đào và bồi dưỡng tạo giáo viên tiểu học, THCS,THPT theo các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; thống nhất phân công các trường xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông theo cấp học và giảng viên sư phạm; đồng thời, thống nhất lộ trình hoàn thiện các sản phẩm chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo từng cấp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng – Giám đốc chương trình ETEP nhấn mạnh các vấn đề cần được trao đổi sâu là tìm kiếm mô hình đào tạo phù hợp cho giáo viên theo môn học ở từng cấp bậc; xây dựng khung chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; và phương thức thiết kế các chương trình đào tạo cho giáo viên THCS và THPT để đạt hiệu quả đào tạo tối ưu.
Cũng tại buổi Hội thảo, TS. Phạm Như Nghệ - Phó Cục trưởng Cục Giáo dục Đại học đã trao đổi với Ban quản lý dự án ETEP, lãnh đạo các trường đại học sư phạm và các đại biểu tham gia hội thảo những nguyên tắc cần lưu ý khi xây dựng các chương trình đào tạo, đó là: đảm bảo tính khoa học trong các nội dung; được xây dựng theo định hướng thị trường lao động; đảm bảo tính ổn định và linh hoạt trong nội dung và cấu trúc chương trình; đảm bảo tính liên thông giữa các bậc học, các trình độ đào tạo, ngành nghề đào tạo; đảm bảo việc quản lý thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục; và phải thực hiện kiểm tra, kiểm định để đánh giá, bổ sung thường xuyên và định kỳ.
Sau phiên khai mạc, Hội thảo chia hoạt động theo 3 tiểu ban. Tiểu ban 1 có nhiệm vụ thảo luận về phát triển bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên Tiểu học, THCS và THPT. Tiểu ban 2 chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho các cán bộ quản lý giáo dục. Tiểu ban 3 đảm nhận nội dung phát triển bồi dưỡng thường xuyên cho các giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý.
Tác giả bài viết: Hà Kiều Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn