Kỉ niệm 10 năm thành lập ngành Công tác Xã hội: ngành khoa học “nhân ái”
Thứ sáu - 31/03/2023 10:11
Sau các hoạt động học thuật và ngoại khóa Kỉ niệm 10 năm thành lập ngành Công tác Xã hội (CTXH) – Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), sáng ngày 25/3 Khoa Tâm lý – Giáo dục tổ chức lễ kỉ niệm “ 10 năm thành lập ngành Công tác Xã hội và chào mừng ngày Công tác xã hội Việt Nam 25 -3”
Đến tham dự buổi lễ có đại diện khách mời, đại diện các trung tâm hoạt động trong lĩnh vực CTXH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN; các giảng viên, cán bộ đang công tác, giảng dạy tại Khoa Tâm lý – Giáo dục; các cựu sinh viên chuyên ngành CTXH và đông đảo các bạn sinh viên ngành CTXH đang học tập tại Trường.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, TS. Nguyễn Thị Trâm Anh chia sẻ “Nói đến CTXH là nói đến một ngành khoa học “nhân ái”, là một ngành học mà ở đó người học ngoài việc được khám phá các tri thức về hoạt động trợ giúp cho con người như: nâng cao năng lực ứng phó và kỹ năng giải quyết khó khăn; kết nối nhằm tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống, mang đến sự phát triển đồng bộ và hài hòa giữa con người và xã hội. Người học còn được thúc đẩy hình thành các phẩm chất nghề nghiệp như lòng trắc ẩn; sự thấu cảm; trung thực, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt… Nhận thức về tầm quan trọng của một ngành nghề cần thiết cho xã hội, năm 2012 dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường Đại học Sư phạm, Khoa Tâm lý-Giáo dục đã mở ra mã ngành đào tạo cử nhân CTXH. Từ đó cho đến nay đã trải qua hơn 10 năm - một quãng thời gian đủ tròn để nói về sự trưởng thành với những dấu ấn rực rỡ trong tiến trình phát triển của mình. Từ những ngày đầu với bao khó khăn, nỗ lực, đến nay, thầy trò Khoa Tâm lý - Giáo dục có thể vui mừng về số lượng tuyển sinh ngành CTXH hàng năm có đầu vào tương đối ổn định, có hơn 500 sinh viên đã và đang theo học; trong đó có 6 khoá sinh viên đã tốt nghiệp ra trường được xã hội đón nhận một cách tích cực. Hiện nay, cựu sinh viên của chúng tôi đã được tuyển dụng vào làm việc tại các trung tâm CTXH; Trung tâm can thiệp và hỗ trợ trẻ khuyết tật, Trung tâm cai nghiện; làm giảng viên chuyên ngành CTXH; chuyên viên cho các tổ chức phi chính phủ; là cán bộ xã hội cho các địa phương thành phố Đà Nẵng, KV Miền Trung Tây Nguyên và cả nước. Điều đặc biệt tự hào về đội ngũ giảng dạy cho sinh viên ngành CTXH ngày một vững mạnh và phát triển. Có 50% thầy cô đang là TS chuyên ngành và 50% thầy, cô đang làm NCS về CTXH trong nước và quốc tế. Số lượng các công trình nghiên cứu các cấp, các công bố trong nước và quốc tế của GV bộ môn CTXH ngày một dày dặn và chuyên sâu. Các thầy, cô không ngừng học hỏi, nghiên cứu để cải tiến chất lượng giảng dạy cho chuyên ngành CTXH. Bên cạnh đó, yếu tố thực hành cũng luôn được các thầy cô xem như là một công cụ hữu ích để góp phần đưa thực tiễn vào bài giảng của mình, giúp cho sinh viên được thực hành một cách bài bản về CTXH. Do đó, có rất nhiều các chương trình, các hoạt động phục vụ cộng đồng có sự tham dự của thầy, cô bộ môn CTXH được cộng đồng xã hội hoan nghênh, ví dụ, chương trình tư vấn phòng ngừa xâm hại tình dục ở học sinh; phụ nữ và trẻ em gái; chương trình tư vấn ứng phó với đại dịch Covid; chương trình tư vấn giảm thiểu căng thẳng học đường cho học sinh… Hôm nay đây, thầy cô chúng tôi còn tự hào bởi chính thế hệ các em sinh viên đang theo học ngành CTXH tại Khoa, bởi các em đã khẳng định được vị thế của một ngành học đang được xã hội coi trọng. Các em đã thể hiện vai trò của người làm CTXH ngay từ khi bước chân vào quá trình học tập, các em biết lan tỏa giá trị nghề đến cho xã hội: Ví như, các bài NCKH sinh viên ngành CTXH đã có tên trong giải SV NCKH cấp Bộ, cấp thành phố; các chương trình phục vụ cộng đồng đã được SV CTXH mang đến cho người dân, trẻ em thông qua các hoạt động phong trào; CLB; thông qua các bài tập thực hành, thực tập hỗ trợ cá nhân, nhóm và cộng đồng. Qua đó các em đã thể hiện tố chất của một người mang sứ mệnh TRỢ GIÚP XÃ HỘI và kiên định theo đuổi học tập một cách nỗ lực nhất”
Đến tham dự lễ kỉ niệm, TS. Bùi Bích Hạnh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã tặng hoa chúc mừng khoa Tâm lý – Giáo dục và cho biết “Hôm nay, rất vui được nói lời chào mừng quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo, các thế hệ sinh viên Khoa Tâm lí Giáo dục đang tham dự Kỉ niệm ngày công tác XHVN và 10 năm ghi dấu ngành CTXH của Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN. Tôi thật sự xúc động được chúc mừng sự kiện này. Ngày CTXH VN mang trong nó nhiều ý nghĩa, nhưng trên tất cả là ý nghĩa nhân văn. Không chỉ hướng về ngày này, Khoa Tâm lí Giáo dục Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN hôm nay cũng đang trải qua nhiều cảm xúc riêng, nhìn lại và viết tiếp chặng đường 10 năm đào tạo ngành CTXH đã đi qua với những thành quả ấn tượng và đáng trân quý. Trên chặng đường ấy, có không ít thăng trầm, có không ít trăn trở với tính chất đặc thù của ngành; mà ngay từ trong tên gọi của ngành đã nói lên nhiều thách thức. Nhưng điều đáng nói là các thế hệ CBVC, giảng viên, sinh viên đã chung tay làm nên khuôn mặt ngành rất đáng hãnh diện như ngày hôm nay. Chất lượng đào tạo, uy tín ngành đào tạo là những thành quả đáng trân trọng của ngành CTXH sau 10 năm nhìn lại. Điều đó thể hiện ở CTĐT đạt chuẩn kiểm định, ở năng lực đội ngũ giảng viên; ở bức tranh tuyển sinh, ở chất lượng tốt nghiệp của sinh viên, cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường và quan trọng hơn là nhiều sinh viên đã trở thành những cán bộ tốt công tác ở nhiều vị trí của ngành CTXH, yêu nghề và sống được với nghề; điều đó góp phần chứng minh ngành CTXH của Trường chúng ta đã thực hiện được sứ mạng đào tạo của mình, đào tạo ra những người làm công tác xã hội mang tinh thần nhân văn, phục vụ cộng đồng; là điểm tựa để những người khiếm khuyết, có hoàn cảnh đặc biệt, những người đang trải qua biến cố trong xã hội được hòa nhập, và được sống có giá trị hơn. Nhìn lại để tri ân, nhìn lại để tự hào và nhìn lại để đổi mới (đổi mới phong cách quản lí, đổi mới CTĐT, PP dạy học, phát triển năng lực dạy học và nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, tiếp tục gắn kết đào tạo Nhà trường với môi trường thực hành, thực tế nghề nghiệp...). Nhà trường kì vọng như thế đối với Khoa Tâm lí Giáo dục. Để các bạn sinh viên đang theo học, các em học sinh sắp vào học và cả những anh chị cựu sinh viên ngành này thấy đây là một ngành học hấp dẫn và làm nghề này là một trong những nghề cao quý. Và chúng ta hi vọng rằng trong tương lai, ngành CTXH Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN sẽ tạo được giá trị cốt lõi của mình.” Nhân dịp này, lãnh đạo Khoa đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đơn vị đã tài trợ tài chính và hỗ trợ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhằm tạo điều kiện học tập, hỗ trợ các bạn sinh viên vượt qua khó khăn, đại diện cựu sinh viên đã trao các suất học bổng đến các bạn sinh viên vượt khó.
Một số hình ảnh tại chương trình: