Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng triển khai đào tạo trực tuyến trước tình hình dịch Covid-19: không chỉ là giải pháp tình thế

Thứ bảy - 11/04/2020 15:43

Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng triển khai đào tạo trực tuyến trước tình hình dịch Covid-19: không chỉ là giải pháp tình thế

Thực hiện Công văn số 795/ BGDĐT-GDĐH ngày 13/3/2020 về việc triển khai công tác ĐTTX ứng phó với dịch Covid-19, Đại học Đà Nẵng đã có Công văn số 958/ ĐHĐN-ĐT ngày 18/3/2020 về việc triển khai công tác ĐTTX trong thời gian sinh viên chưa học tập trung. Trên cơ sở đó, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 259/HD-ĐHSP về việc hướng dẫn về tổ chức, quản lí đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Sư phạm học kỳ 2, năm học 2019 - 2020 áp dụng cho Bậc Đại học, Hệ chính quy từ ngày 13/4/2020.

Đào tạo trực tuyến ở Trường ĐH Sư phạm – Đại học Đà Nẵng: Chu đáo từng học liệu điện tử và điều kiện dạy học
Ngay từ những ngày đầu, đồng thời với triển khai công tác phòng chống dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, Nhà trường đã triển khai tập huấn cho gần 50 giảng viên “hạt nhân” về cách thức xây dựng kho học liệu điện tử và đưa lên hệ thống trực tuyến; chuẩn bị cho kế hoạch đào tạo trực tuyến. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, có tính chất khởi đầu; trước mắt giúp giảng viên có những sự chuẩn bị cần thiết, mang tâm thế chủ động.

Kỹ sư Trịnh Khắc Đức hướng dẫn giảng viên hạt nhân về cách thức xây dựng kho học liệu điện tử và đưa lên hệ thống trực tuyến
Tuy vậy, khi thử nghiệm dạy học trực tuyến, vấn đề giao tiếp giữa người dạy và người học qua môi trường Internet có đảm bảo cho việc học tập của sinh viên hay không cũng khiến không ít giảng viên băn khoăn: “Theo chúng tôi, khác với môi trường giảng dạy truyền thống, ít nhiều sinh viên sẽ dễ bị phân tán, mất tập trung bởi môi trường bên ngoài lớp học trực tuyến. Nếu giảng viên không lựa chọn được các phương pháp giảng dạy phù hợp, ở lớp học trực tuyến sẽ không có sự đa dạng, sự sôi nổi như lớp học trực tiếp” - Giảng viên Nguyễn Thị Hà Phương, Khoa Toán bộc bạch. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mô hình đào tạo trực tuyến vẫn có những ưu trội mà nếu vận dụng đúng cách, đúng hướng thì vẫn hoàn toàn có thể phát huy được vai trò “người học làm trung tâm”.
Xoay quanh vấn đề nội dung/ học phần cần sự tương tác cao giữa giảng viên và người học, Giảng viên Hồ Thanh Hải, Khoa Giáo dục Chính trị cho biết: “Để chuẩn bị một tiết lên lớp trực tuyến, chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian so với một tiết dạy ở lớp truyền thống. Tuy vậy, đó cũng chưa phải là những khó khăn mà chúng tôi đang trăn trở là làm sao đảm bảo chất lượng đào tạo, nhất là đối với những nội dung/ học phần cần sự tương tác cao giữa giảng viên và người học”.
Có lẽ, những trăn trở của đội ngũ giảng viên cũng là bận tâm của lãnh đạo Nhà trường: về chất lượng đào tạo trực tuyến; về những cơ sở để Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng giải trình với xã hội. Giai đoạn đầu dự thảo triển khai đào tạo trực tuyến một cách quy mô, Nhà trường đã gặp một số khó khăn do cần phải có những chuẩn bị điều kiện đảm bảo về hạ tầng, lựa chọn phương thức phù hợp, chuẩn bị tâm thế cho giảng viên cũng như sinh viên và quan trọng là xây dựng hành lang pháp lí cho công tác đào tạo này. Tuy nhiên, lần lượt các Công văn chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, nhất là Công văn số 1222/ ĐHĐN - ĐBCLGD hướng dẫn ĐBCLGD cho các học phần theo phương thức đào trực tuyến tại Đại học Đà Nẵng ban hành đã kịp thời hỗ trợ cho Nhà trường hội đủ cơ sở để có những hướng đi phù hợp; có lộ trình và đảm bảo những quy chế, quy định đào tạo cũng như đảm bảo điều kiện thiết yếu để vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến. Nhà trường đã thống nhất quy trình tổ chức giảng dạy trực tuyến với sự phối hợp, nhập cuộc không chỉ của giảng viên, sinh viên mà còn là sự vào cuộc nhiều bộ phận liên quan: Phòng Đào tạo, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Thanh tra - Pháp chế, Tổ Công nghệ thông tin và Truyền thông…
Mang lớp học trực tuyến đến “gần” với sinh viên
Với quan điểm tạo một không gian dạy học trực tuyến tốt nhất cho giảng viên và sinh viên, Nhà trường đã có Công văn số 259/HD - ĐHSP ngày 07/4/2020 thể hiện nội dung chi tiết hướng dẫn tổ chức, quản lí đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Sư phạm. Kèm theo Công văn này là 4 Phụ lục được ban hành, trong đó Phụ lục 1a, 2a là cẩm nang hướng dẫn cho giảng viên trong và ngoài Nhà trường sử dụng MS Teams; Phụ lục 1b, 2b là cẩm nang hướng dẫn cho dành cho sinh viên trong quá trình đào tạo trực tuyến. Ngoài ra, Nhà trường có chính sách hỗ trợ cước dịch vụ viễn thông với mức 50.000VNĐ/SV lớp đại trà, 200.000 VNĐ/ SV lớp Chất lượng cao. Đối với sinh viên không theo học các lớp học phần trực tuyến, được Nhà trường tư vấn những hướng giải quyết phù hợp; bảo đảm quyền lợi cho người học.

 “Có thể nói có được sự thuận lợi bước đầu như thế này là nhờ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rõ ràng từ phía Nhà trường và các phòng chức năng nên đa số giảng viên chúng tôi có nhiều thuận lợi trong triển khai và thực hiện. Đặc biệt là sự hỗ trợ kĩ thuật rất nhiệt tình, chu đáo từ phía Nhà trường nên thời gian tiếp cận với kĩ thuật, phần mềm của giảng viên nhanh chóng và hiệu quả, nhất là những giảng viên có tinh thần học hỏi, có ý thức ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng bài giảng và nhận thấy rằng hình thức đào tạo trực tuyến này phù hợp với tình hình dịch Covid - 19 hiện nay” - TS. Nguyễn Duy Phương, Trưởng khoa Lịch sử khẳng định.
 
VVV

Thông qua các buổi tập huấn trực tiếp, tập huấn online, hầu hết các giảng viên đã nắm bắt quy trình đào tạo trực tuyến. Đến thời điểm hiện tại, Nhà trường có hơn 170 giảng viên sẵn sàng tham gia đào tạo trực tuyến cho hơn 400 lớp học phần và những con số này sẽ tăng lên trong những tuần tới. Có được sự hưởng ứng này, nhiều thầy cô tâm sự đã dành trọn hàng tuần, thậm chí là nhiều đêm thức trắng để chuẩn bị “giáo án trực tuyến”; vừa tham gia các đợt tập huấn vừa tự mày mò các thao tác trên phần mềm để sẵn sàng cho một không gian dạy học mới.
Đến nay, để thuận tiện cho quá trình học tập của sinh viên, phần mềm Microsoft Teams (MS Teams) được Nhà trường xem là công cụ chính tích hợp với một số công cụ hỗ trợ khác để thực hiện tổ chức và quản lí đào tạo trực tuyến. Các khóa học trực tuyến đã được thiết lập, giáo án điện tử đã được thiết kế, hệ thống bài tập, câu hỏi gần như hoàn tất, hệ thống học liệu,... đã chuẩn bị phù hợp cho hình thức dạy học trực tuyến. Nhiều bài giảng đã được giảng viên quay lại, lưu giữ để người học có thể xem lại khi cần và cung cấp minh chứng cho Nhà trường. Đặc biệt, để đánh giá khả năng đáp ứng của phần mềm MS Teams, tích hợp với một số công cụ hỗ trợ khác, từ ngày 06/4/2020 đến 10/4/2020, các giảng viên Nhà trường đã triển khai thí điểm sử dụng phần mềm MS Teams với học liệu điện tử đã biên soạn. Kết quả thí điểm đã đạt được nhiều tiêu chí mong đợi đối với dạy học trực tuyến.
TS. Đinh Thị Phượng, Trưởng khoa Giáo dục Chính trị cũng chia sẻ: “Qua các buổi dạy thử nghiệm trên MS Teams, mình đã thử nghiệm và cảm thấy bước đầu rất an tâm để tiếp tục áp dụng nó dài lâu. Với số lượng sinh viên trong nhóm tương đối đông nhưng các em vẫn có thể nghe và trao đổi các vấn đề trong học tập, thậm chí chúng tôi có thể tương tác đến từng sinh viên. Với mục đích tiếp cận gần hơn với sinh viên trong mùa dịch, chắc chắn thầy trò trường mình sẽ làm và làm tốt việc dạy online, khẳng định chất lượng và thương hiệu của Trường”.
Sinh viên Nguyễn Viết Thạnh - Lớp 16CBC2 (Quảng Nam), tham gia chương trình học trực tuyến thử nghiệm bộc bạch:Em thấy lớp học trực tuyến rất tiện lợi và phù hợp với tình hình hiện nay. Chất lượng âm thanh và hình ảnh đảm bảo. Bên cạnh đó, em có thể trao đổi và ôn bài trong nhiều khung thời gian hơn. Đặc biệt, việc tư vấn, hỗ trợ của Nhà trường đối với sinh viên được quan tâm chặt chẽ. Chỉ cần em đưa ra câu hỏi thì chỉ trong vài phút đã có cán bộ, giảng viên hỗ trợ”. Chắc rằng, trong quá trình dạy học trực tuyến, Nhà trường sẽ lắng nghe thêm nhiều ý kiến của sinh viên. Vì sinh viên được phản hồi trực tuyến trên MS Teams trong hoặc sau từng buổi học về tình hình học tập, những thuận lợi và khó khăn nhằm giúp cho giảng viên kịp thời điều chỉnh và cải tiến hoạt động dạy học; đồng thời được thực hiện đánh giá lớp học phần trên trang cá nhân tại địa chỉ http://qlht.ued.udn.vn theo quy định của Nhà trường.
Tính đến thời điểm này (kết thúc giai đoạn dạy học trực tuyến thử nghiệm), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng có thể vững tin bước vào giai đoạn đào tạo trực tuyến chính thức (bắt đầu từ 13/4/2020). Trong quá trình vận hành sắp đến, chắc chắn sẽ nảy sinh không ít tình huống, trở ngại. Tuy nhiên, chỉ cần đồng lòng và quyết tâm, nhất định những khó khăn sẽ dần được tháo gỡ.
Song song với lộ trình này, Nhà trường cũng đã áp dụng mô hình đào tạo trực tuyến đối với đào tạo đại học 3 + 1 cho sinh viên Trung Quốc và Đài Loan trong học kỳ 2 theo đề xuất của trường bạn và thoả thuận song phương. Được sự thống nhất của Khoa đào tạo, Phòng Khoa học & Hợp tác Quốc tế cùng Phòng Đào tạo, phối hợp với Tổ Công nghệ thông tin và Truyền thông có những tham mưu xác đáng để Ban Giám hiệu quyết định phương thức đào tạo này dành cho đối tượng sinh viên quốc tế với Công văn số 252/ TB - ĐHSP Thông báo Kế hoạch triển khai dạy học trực tuyến đối với sinh viên Trường Đại học Quốc lập Cao Hùng và Trường Đại học Sư phạm Vân Nam trong thời gian sinh viên nghỉ học do dịch bệnh Covid - 19. Trên tinh thần đảm bảo chất lượng và vì sự hợp tác lâu dài.

 

NNN

Một số hình ảnh buổi tập huấn, dạy học sử dụng phần mềm MS Teams của giảng viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng

Hi vọng giữa cuộc sống đang “đảo lộn” vì dịch Covid -19, những giảng đường online sắp tới sẽ mang không khí học tập, giảng dạy quay trở lại. Hơn thế, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng xác định đào tạo trực tuyến, xu thế đào tạo đại học trong nước và quốc tế, sẽ là một trong những phương thức đào tạo được Nhà trường định hướng lâu dài chứ không phải chỉ là giải pháp tình thế.

Vũ Hoàng – Diệu Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây