Ý nghĩa những bức tượng trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN

Thứ sáu - 08/11/2024 13:54
Khuôn viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đang ngày càng khang trang, hiện đại hơn với những công trình, tiểu cảnh không chỉ đẹp mà còn rất ý nghĩa. Đặc biệt, vào những ngày đầu tháng 11, sự xuất hiện của 2 “công trình” mới: Bức tượng chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh và hai bức tượng biểu tượng của sinh viên UED đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, yêu thích của viên chức, người lao động, giảng viên, sinh viên Nhà trường.  
Bức tượng chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh
Bức tượng bán thân của chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926), được đặt trang trọng tại khu “check-in” CHI BẰNG HỌC (phía bên phải khu nhà A). Phía dưới tượng là dòng chữ “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” – thể hiện triết lý giáo dục và lý tưởng lớn của Phan Châu Trinh. Ông là nhà hoạt động chính trị, đồng thời cũng là nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lỗi lạc, suốt đời đấu tranh cho sự phát triển tri thức, ý thức tự cường của dân tộc và phúc lợi của nhân dân.
dt Tuong chi si Phan Chau Trinh 2

“Phan Châu Trinh cùng với Phan Bội Châu là hai chí sĩ tiêu biểu nhất của phong trào dân tộc, dân chủ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Mục tiêu cuối cùng trong công cuộc cứu nước của Phan Châu Trinh là giành độc lập dân tộc, dân chủ và dân quyền về mọi mặt cho nhân dân Việt Nam.
Để đạt mục tiêu trên, Phan Châu Trinh chủ trương trước hết phải tiến hành “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đẩy mạnh cuộc canh tân về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục nhằm tạo ra thực lực để đi đến “đánh đổ cường quyền áp chế”. “Chấn hưng và hiện đại hóa nền văn hóa, giáo dục của dân tộc là một vấn đề lớn trong chủ thuyết phát triển đất nước của Phan Châu Trinh: chủ thuyết Tam dân” (Trích nhận định của TS. Nguyễn Minh Phương, Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm -ĐHĐN trong bài viết “Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh” đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 08/9/2022).
Dòng chữ “CHI BẰNG HỌC” phía trước tượng như một thông điệp gửi gắm về tầm quan trọng của học tập. “Chi Bằng Học” (chữ Hán là Bất như học) là quan niệm cơ bản của tư tưởng Phan Châu Trinh, là lời gọi thống thiết của Phan Châu Trinh gửi đồng bào Việt Nam. Không phải chỉ có giá trị đương thời, mà còn đến hôm nay vẫn xứng đáng là một danh ngôn, luôn luôn phát huy tác dụng. Câu danh ngôn này được phát biểu vào năm 1907, trên tờ Đăng Cổ Tùng Báo… Có thể nói là khác với hầu hết chí sĩ duy tân là ông rất kiên trì quan điểm “Chi Bằng Học” trong suốt cuộc đời mình” - (Trích nhận định của GS Vũ Ngọc Khánh trong bài “Chi bằng học” – tư tưởng chủ đạo của Phan Châu Trinh trong sự nghiệp Duy Tân đất nước, đăng trong kỷ yếu tọa đàm 130 năm ngày sinh Phan Châu Trinh – Tam Kỳ, 2002).  
 
dt Tuong chi si Phan Chau Trinh 3

Sau gần cả thế kỷ những giá trị tư tưởng Phan Châu Trinh vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự. Sự kết hợp giữa bức tượng Phan Chu Trinh và thông điệp “Chi bằng học” gợi lên hình ảnh về một môi trường đại học không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn bồi đắp lý tưởng, khơi dậy tinh thần tự cường và trách nhiệm xã hội trong mỗi thế hệ sinh viên. Đây cũng là hình ảnh nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, trí tuệ và nhân văn, hướng đến một cộng đồng tri thức giàu tình yêu nước và ý thức phục vụ xã hội; là thông điệp mà Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN muốn gửi gắm, thúc đẩy tinh thần tự học, tự đổi mới và nâng cao tri thức của mỗi viên chức, giảng viên và người học Nhà trường.

Hai bức tượng mang hình ảnh biểu tượng của sinh viên UED
Hai bức tượng là hình ảnh đại diện cho sinh Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN, được đặt tại khuôn viên khu checkin “LEARN TO LIVE” (Bên trái khu nhà A). Tượng hai sinh viên: 1 nam – 1 nữ cầm trên tay những biểu tượng của tri thức và học tập. Tượng sinh viên nữ mặc áo dài truyền thống, tay cầm sách – biểu tượng của văn hóa và sự học hỏi; Trang phục áo dài truyền thống thể hiện sự dịu dàng, chỉn chu đại diện cho vẻ đẹp và văn hóa Việt Nam cũng là văn hóa môi trường Sư phạm.  Tượng sinh viên nam mặc áo sơ mi, tay cầm la bàn – tượng trưng cho sự định hướng, tư duy khoa học và tinh thần khám phá của tuổi trẻ. Cả hai cùng nâng biểu tượng UED thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của các thế hệ sinh viên Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN cùng chung tay giữ gìn và xây dựng Trường ngày càng phát triển.
 
dt Tuong sinh vien 2

Hình ảnh hai bức tượng này còn là hình ảnh của sự kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, gợi lên niềm hy vọng vào một thế hệ trẻ đầy tri thức, năng động và có trách nhiệm.
 
dt Tuong sinh vien 4

Thầy và trò Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN đang sống trong những ngày tháng 11 đầy ý nghĩa, hòa trong không khí kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) và hướng tới kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN xây dựng và phát triển. Hy vọng rằng, những giá trị văn hóa, lịch sử qua mỗi tác phẩm, công trình trang trí ngay trong khuôn viên của Trường sẽ góp phần tạo nên những hình ảnh đáng nhớ và lan tỏa những thông điệp ý nghĩa trong các thế hệ cán bộ, viên chức, người học UED và toàn xã hội.
 
Truyền thông Sư phạm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây