Cảnh quan (landscape) luôn đi đôi với “trải nghiệm không gian”, “hình ảnh văn hóa”, và “tính vật chất của thế giới”. Cảnh quan là cái mà Husserl gọi là “thế giới sự sống” (lifeworld) – thứ bao trùm mọi phom dạng của tồn tại, các sinh quyển và các lãnh địa văn hóa.
Từ góc độ nghệ thuật, chúng ta khó có thể tìm được một tác phẩm văn học, một bộ phim, một công trình kiến trúc nào lại không liên quan đến một phong cảnh cụ thể (dù là thành thị hay nông thôn, được thiết kế hay hoàn toàn thuần nhiên, có thực hay chỉ trong tưởng tượng). Không chỉ “liên quan”, phong cảnh hay bối cảnh thường trở thành một trong những nhân vật chính của tác phẩm tự sự, thiết lập khung văn hóa và các tiềm năng của việc kể chuyện. Cảnh quan có thể được sử dụng để biểu hiện những cung bậc tình cảm, để kiến tạo căn tính, bản dạng của cá nhân cũng như của cộng đồng và quốc gia, địa phương và toàn cầu. Đồng thời, theo Martin Lefebvre, chính sự tương tác thực sự hay tưởng tượng của con người với tự nhiên và môi trường đã tạo ra cảnh quan.
Nếu cảnh quan giữ vai trò quan trọng trong các thực hành nghệ thuật đến thế, thì hướng tiếp cận phê bình cảnh quan (landscape criticism) còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thế kỷ 21 – thế kỷ của cách mạng công nghệ 4.0, của các luồng di dân khổng lồ, của đại dịch Covid và biến đổi khí hậu toàn cầu khiến cho các vấn đề địa-chính trị, địa-văn hóa, sự tri nhận và kiến tạo các đường biên, sự định vị và tái định vị của con người trong thế giới cũng đổi thay mạnh mẽ. Tọa đàm khoa học “Phê bình cảnh quan trong văn chương và điện ảnh” lần này muốn đặt những câu hỏi căn bản về phê bình cảnh quan như: phong cảnh là gì, cảnh quan kiến trúc và cảnh quan văn chương/điện ảnh là gì; “cảnh quan” được biểu thị, hiểu, được diễn giải/tái diễn giải như thế nào qua nghệ thuật của thời hiện đại; cảnh quan văn chương và điện ảnh nằm ở đâu trong mối tương quan với văn hóa đại chúng, với ý hệ, với lịch sử tư tưởng, với nghiên cứu giới, tâm lý học, y học, sinh thái học, với quy hoạch đô thị, với chất lượng sống của con người, v.v...
Ban Tổ chức Tọa đàm đã nhận được nhiều tham luận khoa học của các nhà nghiên cứu, dịch giả đến từ Viện Văn học – Viện HL KHXH VN, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội,… Nhân dịp này, Tạp chí Nghiên cứu văn học (Viện Văn học), Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng), Tạp chí Non Nước (Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng) dự kiến tổ chức bản thảo, cho ra mắt hai cụm bài về “phê bình cảnh quan” sau khi tọa đàm kết thúc.
Việc tổ chức tọa đàm khoa học và ra mắt hai cụm chuyên đề về phê bình cảnh quan, là những sự kiện giàu ý nghĩa về nghiên cứu và ứng dụng các hướng tiếp cận mới về văn học, điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung trên thế giới, đồng thời cũng là những bước khai mở cho một tiến trình lâu dài của việc xây dựng “hệ tri thức cảnh quan”, “đối thoại cảnh quan” và “văn hóa cảnh quan” tại Việt Nam.
Chi tiết sự kiện, xin vui lòng liên hệ:
- TS. Đỗ Thị Thu Huyền (Tạp chí Nghiên cứu văn học, Viện Văn học)
Điện thoại: 0912219096/Email: dohuyenvhdt@gmail.com
- TS. Nguyễn Phương Khánh (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm - ĐH Đà Nẵng)
Điện thoại: 0905197008/phuongkhanh2803@gmail.com
Thông tin Tọa đàm sẽ được cập nhật tại Cổng thông tin Khoa Ngữ văn, https://nguvan.ued.udn.vn/.