Thanh xuân là những tháng ngày “dấu ấn” trên giảng đường Đại học…

Thứ tư - 25/04/2018 20:05
Từ ngày đi dạy, điều tuyệt vời nhất mà tôi cảm nhận được mỗi khi đứng lớp đó là học sinh. Vui cũng vì học sinh, buồn cũng vì học sinh và hạnh phúc cũng là vì học sinh. Cái cảm giác bạn có được cho giờ học hôm ấy khi các kiến thức mà mình chuẩn bị được truyền tải trọn vẹn nhất đến với học sinh- thật đã!

Thanh xuân là những tháng ngày dấu ấn trên giảng đường Đại học…

Có nhiều người hỏi tôi rằng: “Mi đi dạy thế nào? Tốt cả chứ”.  Và thế là cũng được gần 6 tháng tôi làm một cô giáo dạy Văn. Cuộc sống của những người đang trưởng thành thật có quá nhiều vấn đề phải suy nghĩ cho hiện tại và tương xa xôi sau này. Cũng gần 5 tháng đi dạy tại một ngôi trường THPT, nhìn các bạn sinh viên thực tập tại trường, lại nhớ cách đây một năm, tôi cũng từng chật vật với giáo án, hồ sơ, sổ sách của các hoạt động chủ nhiệm, hoạt động sinh hoạt Đoàn thể như thế. Mọi thứ cứ rối tung cả lên cho hơn một tháng thực tập tại một ngôi trường cấp 3. Điều này làm tôi nhớ lại khoảng thời gian cách đây 4 năm, một cô sinh viên chân ướt chân ráo cầm hồ sơ nhập học bước chân vào ngôi trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Giữa cái nắng nóng bức của những ngày tháng 8, đó là khoảng thời gian tôi ngỡ ngàng với mọi thứ ở ngôi trường này từ giảng đường lớn, sân trường...

Và nếu được chọn lại đam mê của mình, tôi có chọn Sư phạm không?
 

dk029

Xuất phát điểm của tôi không phải theo đam mê Sư phạm. Đam mê trở thành một người dạy học bắt đầu khi tôi chính thức trở thành sinh viên năm thứ 2 Khoa Ngữ Văn. Khi thực sự được thắp lên niềm cảm hứng học tập từ những giờ dạy lí thú và tròn đầy kiến thức của các thầy cô trong những học phần đòi hỏi tính lí luận và chuyên môn cao. Lúc bấy giờ tôi mới cảm thấy yêu Sư phạm và thật sự mở lòng với ngành học này. Mới ngày đầu vào trường, tôi bỡ ngỡ rất nhiều với mọi thứ và có một thứ cảm xúc bao trùm con người tôi lúc ấy là “ngợp”. Tôi ngợp vì lượng tri thức chuyên môn rộng và sâu của các thầy cô, ngợp vì độ khủng kiến thức của các học phần; ngợp vì có quá nhiều sách chuyên ngành tôi cần phải nắm; ngợp vì kiến thức lí luận; ngợp vì giờ học; ngợp vì phải “chạy đua”. Tôi cứ ngỡ rằng bản thân sẽ không chịu nổi các áp lực ấy, vì lúc ấy, trong tôi chưa có một kế hoạch, một hướng đi, một phương pháp nào thực sự rạch ròi và cụ thể cả. Tôi bị rối, thật sự là như vậy. Tôi bắt đầu chủ động liên lạc cho các anh chị khóa trên, giao lưu với bạn bè và tìm nhiều cách để có kế hoạch học tốt hơn. Trong mớ ngổn ngang ấy, cuối cùng thì tôi cũng tìm thấy thêm một con đường chắc chắn nữa, khi nhận được sự giúp đỡ tận tình của các thấy cô. Quả thật, khi đặt bản thân làm việc dưới nhiều áp lực khác nhau trong công việc học tập tự khắc mỗi người sẽ bộc phát được đam mê mà mình cần theo đuổi. Và chuyên ngành “nhiều chữ” này đã cho tôi thẩm thấu được điều đó. Đến khi trở thành sinh viên năm 2, có điều kiện tiếp xúc hơn với chuyên ngành của mình đặc biệt là hoạt động thường niên: nghiên cứu khoa học. Nhiều sinh viên mở ra cho mình một vùng tri thức mới, đỏi hỏi tư duy khoa học và phương pháp nghiên cứu khoa học. Theo cá nhân tôi đây là một hoạt động có sức đòi buộc hàm lượng kiến thức và kĩ năng xử lí ý tưởng khoa học của mỗi sinh viên mạnh mẽ nhất. Quá trình đó sẽ là khoảnh khắc các bạn được sống với đam mê thực sự của mình. Áp lực, khó khăn thậm chí hao sút về thể lực là điều không tránh khỏi khi mỗi sinh viên chấp nhận bước vào cuộc đua cam go này, song quan trọng là việc mỗi sinh viên giữ cho mình một tâm thế bản lĩnh và đặc biệt là không bao giờ bỏ cuộc. Trong quá trình nghiên cứu, tôi và nhóm nghiên cứu của mình rất hạnh phúc vì có sự dìu dắt vô cùng tận tình và nghiêm khắc của thầy hướng dẫn. Có lẽ vì sự nghiêm khắc này mà bản thân mỗi bạn trong nhóm đều tự nổ lực và tự tìm ra hướng phát triển đề tài chung cho cả nhóm. Nhờ những điều này, nhóm đã đạt được kết quả vượt ngoài mong đợi khi có tên trong danh sách giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học đạt giải 3 cấp Bộ giáo dục và Đào tạo. Đây là một thành tích rất đáng tự hào của nhóm nghiên cứu và bản thân mỗi người cũng rất lấy làm vui mừng vì không phụ lòng hướng dẫn của thầy giáo. Từ đó, ngọn lửa khoa học tiếp tục được thắp lên trong mỗi chúng tôi và tôi cũng hi vọng điều tuyệt vời này sẽ được lan tỏa đến các bạn sinh viên khóa dưới, tiếp tục cuộc đua tri thức cho đam mê mà mình đã lựa chọn.

Ngày nay, có nhiều sinh viên chọn Sư phạm vì đam mê thật sự, nhưng cũng có nhiều sinh viên chọn Sư phạm như một trạm dừng chân tạm thời. Chính vì thế trong suốt 4 năm Đại học, họ phá sức, lãng phí thời gian vào một ngành nghề mà ngay cả bản thân học cũng không biết có thích hay không. Điều này gây ra thực trạng học cho có, học chơi chơi, qua loa lấy lệ của nhiều bạn sinh viên dẫn đến kết quả học tập không tốt, ra trường nản chí và bỏ dở nhiều thứ. Vô hình chung điều này gây ra mối bận tâm rất lớn cho các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường về chất lượng đào tạo, chất lượng tuyển sinh, và cả vấn đề việc làm. Mọi thứ trở nên mơ hồ, không còn hi vọng và nhiều khi thật sự bất lực trước hiện tại chán nản của chính bản thân. Giả sử, tình trạng này cứ tiếp diễn, phụ huynh sẽ càng boăn khoăn hơn nữa khi sắp phải đối mặt với nhiều lo tính, gánh nặng cho con em mình sau khi ra trường. Phụ huynh đặt ra nhiều mối nghi vấn, còn câu trả lời lại nằm ở chính bản thân mỗi sinh viên. Đây cũng là mối bận tâm của thầy cô, Nhà trường về thực trạng này. Và thậm chí, mỗi bạn sinh viên cần tìm câu trả lời cho chính mình từ những ngày đầu xác định ước mơ. Thật sự cũng có nhiều sinh viên theo đuổi ngành học này vì đam mê thực sự. Chính vì vậy mà trong họ luôn được nhen nhóm lửa đam mê. Họ làm việc, sinh hoạt và học tập hết mình trong suốt 4 năm thanh xuân rực rỡ của đời sinh viên đúng như câu nói của Steve Job: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”. Đó là cả một quá trình dài liên tục, kiên trì mày mò nghiên cứu và tìm ra phương pháp học phù hợp cho bản thân. Họ không chán và những kiến thức lí thú mà mỗi bạn sinh viên thu nhặt được, ngày một, ngày hai trở thành vốn kiến thức mà bản thân họ sẽ là người thông minh, kiên trì và có niềm tin vào cơ hội tìm kiếm việc làm sau này, đặc biệt là cuộc thi viên chức được tổ chức hàng năm, sẽ là cơ hội không phải quá hẹp đối với những ai nỗ lực, có được cơ hội tốt và có niềm tin lâu bền.
 

dk030

Nhớ lại ngày trước, khi đi được đoạn đầu của chặng đường, có nhiều người lại hỏi tôi thế này:

“Vào Sư phạm à! Biết ra trường có xin được việc không?”

“Mày đâm đầu vào đây làm gì?”

“Học Sư phạm có tương lai không con?”

“Học Văn à! Nghề này bạc lắm em! Theo làm gì?”

Ngày thứ 2 của kì thi Đại học năm 2013, tôi thi môn Ngữ Văn, và trước lúc vào phòng thi đã có thầy giáo nói với tôi câu đấy: “Học văn à! Nghề này bạc lắm em! Theo làm gì!” Trong suy nghĩ non nớt của một cô học sinh trung học chỉ cười cho qua câu nói ấy, nhưng đã bắt đầu biết suy nghĩ từ đó. Cách nhìn vào tương lai của những người nói câu nói ấy với kẻ học văn như tôi hoàn toàn bế tắc. Tôi hoang mang nhưng cũng theo đuổi cho đến cùng ngành học của mình, ngay khi tôi xác định đây là chân lí sống, là “lẽ yêu đời” mà mình theo đuổi, từ năm 2. Có biết bao nhiêu cơn bão xảy ra ở đời, sẽ có rất nhiều điều ra tiếng vào đối với ngành học này. Ở bất kì lĩnh vực nào cũng vậy, càng trải qua nhiều khó khăn gian khổ, càng trải qua nhiều áp lực hi sinh thì quả ngọt nhận được của chúng ta càng xứng đáng. Trong nhiều năm trở lại đây, ngành Sư phạm Ngữ Văn cũng là một ngành có điểm đầu vào rất cao trên mặt bằng chung của các trường Đại học. Điều này tạo nên một lòng tin rất lớn về chất lượng đào tạo chuyên ngành Sư phạm Ngữ Văn cho nhà trường. Và cũng tạo cho các bạn sinh viên một tâm thế vững tin về môi trường học tập chuyên sâu của mình trong suốt bốn năm. Khi bước chân ra khỏi trường Đại học Sư phạm sau bốn năm cặp xách nách mang vở, máy tính, tài liệu, tôi luôn tự hào vì mình đã chọn Sư phạm và tự hào hơn nữa khi được tốt nghiệp xuất sắc tại một trường Đại học Sư phạm vẫn luôn giữ được những nấc thang giá trị kiến thức, chất lượng trong việc tuyển sinh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giáo dục cho nước nhà. Ngôi trường mà tôi đã học của cách đây bốn năm trước và hiện tại đã thay da đổi thịt rất nhiều. Từ cơ sở vật chất, đến chất lượng đào tạo hàng đầu, vinh hạnh hơn vào năm 2017 trường được công nhận là một trong bảy trường Đại học Sư phạm trọng điểm quốc gia. Điều này càng làm tăng thêm động lực, tinh thần học tập cho các bạn sinh viên và lòng tin cho các bậc làm cha làm mẹ về một môi trường học tập lành mạnh, chất lượng cao và ngày càng khẳng định vị thế của mình không chỉ trong cả nước mà còn có thể vươn xa hơn trong khu vực.

Xác định cho mình một đam mê để theo đuổi đến cùng là hướng đi chắc chắn nhất cho kế hoạch bốn năm lần thứ nhất của cuộc đời mỗi sinh viên. Cho dù hiện tại có quá nhiều điều đáng buồn vẽ ra cho ngành Sư phạm như nạn thất nghiệp, sinh viên ra trường hoàn toàn bế tắc trước tương lai nhưng chúng ta có nhiều cách để duy trì và theo đuổi đam mê của mình. Bốn năm là khoảng thời gian dài để tự bản thân mỗi sinh viên học cách trau dồi kiến thức kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm và sự tự tin để sẵn sàng va chạm và đối đầu với những thách thức: Hermann Hesse từng nói: “Ai cũng có thể thực hiện phép màu, ai cũng có thể chạm đến mục tiêu, nếu anh ta có thể nghĩ, nếu anh ta có thể chờ đợi, nếu anh ta có thể kiên trì.” (Everyone can perform magic, everyone can reach his goals, if he is able to think, if he is able to wait, if he is able to fast.). Theo mình, khi đã xác định được đam mê và có lòng tin với nó bạn cần kiên trì và có sự chuẩn bị trước. Ngay bây giờ, ngay lúc này, và không để đến ngày mai. Việc theo đuổi đến cùng đam mê này, khiên cho 4 năm Đại học của tôi vô cùng ý nghĩa và không hề uổng phí. Đây là thời gian tuyệt vời để sống. Chưa bao giờ có nhiều khả năng và cơ hội hơn cho bạn để đạt được nhiều mục tiêu hơn ngày hôm nay. Và một trong những điều hạnh phúc mà một sinh viên như tôi sau khi ra trường đã làm được đó là trúng tuyển vào kì thi viên chức của thành phố với kết quả cao, đây là một bước nhảy rất lớn có thể giúp tôi đứng gần hơn với học sinh, được dạy, được trò chuyện, được chia sẻ và quan trọng nhất là được hạnh phúc. Có cảm giác những kiến thức được tôi luyện tại giảng đường Đại học đã đúng lúc được dùng đến, và thậm chí trong quá trình học có những kiến thức được thăng hoa, nó tự khắc sâu vào trong trí óc của mình để khi bước chân vào phòng thi: tôi không còn thấy sợ nữa. Cho đến sau này, khi được đi dạy, kiến thức ở nhà trường Đại học vẫn là vốn quý, là kĩ năng nghề nghiệp trong những tiết dạy, tình huống sư phạm bất ngờ mà bản thân tôi luôn cảm thấy: cần có sự kết hợp, cần có sự cân bằng và hài hòa, liên tục áp dụng kiến thức cũ và luôn luôn học hỏi thêm nhiều nữa từ thực tiễn giảng dạy; để hoàn thiện hơn nữa năng lực bản thân và kĩ năng nghiệp vụ của mình. Đam mê là điều bản thân phải luôn cố gắng, và cố gắng nhiều hơn nữa.

Ngành Sư phạm Ngữ Văn Khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm có rất nhiều học phần chuyên ngành có thể giúp mỗi sinh viên mở rộng kiến thức chuyên sâu: lí luận văn học, ngôn ngữ, văn học và phương pháp dạy học. Điều này mở ra hướng tìm tòi thích thú cho mỗi bạn sinh viên, kích thích năng lực, khai thác khả năng phát triển của mỗi cá nhân. Các môn học như một chất nổ làm bùng cháy vỏ bọc kiến thức thụ động của mỗi bạn để từ đó mỗi giờ học, mỗi giờ thuyết trình, mỗi giờ nghiên cứu của mỗi sinh viên thực thụ đều là những giờ yêu cầu sự hoạt động tuyệt đối của tư duy và khối óc. Các bạn sẽ phải luôn suy nghĩ, tìm tòi và phát hiện, để là những vận động viên trên trường đua kiến thức. Lần lượt như thế, các môn học trở thành chất xúc tác tư duy. Và ngày từng ngày, những điều này sẽ là bàn đạp vững vàng để chắp cánh cho những ước mơ sau này. Những phương pháp học tại nhà trường sẽ là nền tảng vững chắc giúp bạn tự tin trước các câu hỏi tình huống trong phần thi vấn đáp viên chức cũng như đối mặt với những tình huống Sư phạm thực tiễn. Vì những khắt khe các thầy cô đặt ra cho chúng ta trong những học phần, mà nhờ đó mỗi sinh viên tập làm quen với nhiều áp lực rồi dần dà các kiến thức đó được tiêu hóa và ngấm sâu vào trong trí nhớ của mỗi sinh viên như hằng đẳng thức đáng nhớ. Với trình độ chuyên môn sâu, các bài giảng của mỗi thầy cô đều có khả năng lôi cuốn sự lắng nghe của các sinh viên. Những kiến thức mà các thầy cô truyền đạt đặc biệt là về kiến thức chuyên ngành đều nâng cao và mở rộng. Điều này, tạo độ nặng cho kinh nghiệm tiếp thu kiến thức của mỗi các nhân sinh viên và sau này tùy vào thực tiễn mà chúng ta sẽ áp dụng nó như thế nào cho phù hợp. Cho dù sau này có gặp phải tình huống sư phạm như thế nào các bạn cũng đủ tự tin bản lĩnh để giải quyết vấn đề.

Trong giảng đường Đại học, ở đó không chỉ còn là chuyện kiến thức mà còn là cách chúng ta học tập phong thái giảng dạy ở mỗi thầy cô. Tư thái của người trẻ tuổi khi nỗ lực hướng về một mục tiêu nào đó, là tư thế mạnh mẽ nhất, mới mẻ nhất, tươi đẹp nhất.  Mỗi người đều có một người thầy cô thần tượng để mà trở thành. Nên trong bốn năm đại học này sẽ là thời gian cho các bạn tập luyện và tự tạo phong thái riêng cho mình. Học tập cái hay của họ và biến hóa thành cái riêng cho mình. Trong thâm tâm, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn và biết ơn những thầy cô đã luôn miệt mài dù cho đến rát cả họng để truyền tải, luôn cởi bỏ những gánh nặng cơm áo gạo tiền, gánh nặng sức khỏe, gánh nặng tinh thần đằng sau cánh cửa giảng đường để thể hiện tốt nhất phong cách, thần thái giảng dạy của mình tại giảng đường. Tự lúc nào, trong tôi, niềm mơ về nghề đi dạy từ đó mà có hướng đi, từ đó mà dần có đích đến.

Từ ngày đi dạy, điều tuyệt vời nhất mà tôi cảm nhận được mỗi khi đứng lớp đó là học sinh. Vui cũng vì học sinh, buồn cũng vì học sinh và hạnh phúc cũng là vì học sinh. Cái cảm giác bạn có được cho giờ học hôm ấy khi các kiến thức mà mình chuẩn bị được truyền tải trọn vẹn nhất đến với học sinh- thật đã! Ngày hôm ấy nhất định đã là một ngày hạnh phúc. Không nhất thiết phải trở thành một giáo viên chính thức đứng lớp mới cảm nhận được hạnh phúc đó. Chỉ cần bản thân luôn cố gắng, cho dù là gia sư, đi dạy hợp đồng hoặc là giáo viên dạy thêm ở một trung tâm nhỏ, chỉ cần ở đó có học sinh và chúng ta dồn hết tâm huyết vào trong từng bài giảng, thì trong những đôi mắt trong sáng của mỗi em học sinh chắc chắn bạn đã trở thành một “người thầy thực sự”.

Điều duy nhất tôi muốn nói với các bạn là hãy luôn giữ lòng tin và tiếp tục trau dồi bản thân mình trở nên hoàn thiện nhất để cùng đón chờ những kết quả như mong muốn. Cứ cố gắng, cứ hết mình thì thành công sẽ đến. Vậy nên cứ nuôi hi vọng và cứ mơ ước: thành công ở đâu đó thôi!

m 079

(Nguyễn Kim Nguyên, sinh viên lớp 13SNV ngành Sư phạm Ngữ Văn, Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, niên khóa 2013-2017.

Hiện tại là Giáo viên Ngữ Văn tại trường THPT Cẩm Lệ, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.)

Tác giả bài viết: Kim Nguyên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây