Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN tổ chức trao đổi chuyên môn với đoàn học giả đến từ Australia

Thứ ba - 13/05/2025 10:44
Chiều ngày 12/5, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức buổi tiếp đón và trao đổi chuyên môn với đoàn học giả Australia và đại diện Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đối thoại hợp tác quốc phòng thường niên giữa Úc và Việt Nam và Đối thoại kênh 1,5 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và tăng cường kết nối học thuật giữa các quốc gia.
Buổi trao đổi chuyên môn có chủ đề “Tác động của các công nghệ mới nổi, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI) đối với quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội và đời sống hàng ngày của người dân”.
6
Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN tổ chức tiếp đón và trao đổi chuyên môn với đoàn học giả đến từ Australia.
Đoàn học giả do ông Benjamin Davey, Phó Cục trưởng Cục Chính sách Quốc tế, Bộ Quốc phòng Australia làm trưởng đoàn. Cùng tham dự còn có Đại tá Mick Jansen, Tùy viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam; các cán bộ Văn phòng Tuỳ viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam; đại diện Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam cùng đoàn học giả gồm các chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Australia, Viện nghiên cứu Lowy, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI).
Tiếp và làm việc với đoàn, về phía ĐHĐN có PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến – ĐHĐN; PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm; đại diện lãnh đạo các khoa Toán – Tin, Tâm lý – Giáo dục – Công tác xã hội, Ngữ văn - Truyền thông, Phòng Khoa học – Công nghệ thông tin – Hợp tác quốc tế cùng đông đảo giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN.
f2
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN, gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến các thành viên trong đoàn công tác và các học giả, đồng thời bày tỏ vinh dự khi Nhà trường được lựa chọn là đơn vị tổ chức buổi trao đổi chuyên môn. PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, buổi trao đổi là một hoạt động mang giá trị thực tiễn sâu sắc. Đây không chỉ là dịp để giảng viên, sinh viên của Trường tiếp cận tri thức quốc tế mà còn là diễn đàn để các quan chức quốc phòng, nhà nghiên cứu và học giả hai nước chia sẻ tri thức về một trong những chủ đề mang tính chiến lược và thời sự hàng đầu hiện nay: “Tác động của các công nghệ mới nổi, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI), đối với quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội và đời sống hàng ngày của người dân”. Buổi làm việc và trao đổi chuyên môn cũng là dịp quan trọng để củng cố sự hiểu biết và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Úc trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và quốc phòng, trong bối cảnh thế giới đang biến đổi nhanh chóng dưới tác động mạnh mẽ của công nghệ.
Giới thiệu về ĐHĐN, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu cho biết đây là một trong những đại học trọng điểm, đa ngành, có uy tín trong cả nước với 7 trường đại học thành viên, 7 đơn vị trực thuộc, 2.500 cán bộ và khoảng 50.000 sinh viên. Với 30 năm hình thành và phát triển, ĐHĐN trong đó có Trường Đại học Sư phạm đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. ĐHĐN định hướng phát triển thành một trong ba Đại học Quốc gia của Việt Nam, vươn tầm khu vực và quốc tế, trong đó hợp tác quốc tế với các trường đại học hàng đầu thế giới, đặc biệt từ Úc giữ vai trò then chốt.
f3
Ông Benjamin Davey – Phó Cục trưởng Cục Chính sách Quốc tế, Bộ Quốc phòng Australia
phát biểu tại buổi làm việc.
Thay mặt đoàn công tác, ông Benjamin Davey – Phó Cục trưởng Cục Chính sách Quốc tế, Bộ Quốc phòng Australia – bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN vì sự đón tiếp chu đáo và tổ chức hiệu quả chương trình làm việc. Ông đánh giá cao vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia thông qua các hoạt động học thuật, nghiên cứu và đối thoại. Đồng thời, cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các buổi trao đổi học thuật trong việc giúp hai bên hiểu rõ hơn về những cơ hội và thách thức chung, từ đó xây dựng các chính sách quốc phòng phù hợp, bền vững và mang tính nhân văn.
Tại buổi trao đổi, hai giảng viên đến từ Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN là TS. Trần Thị Yến Minh và TS. Lê Thị Thanh Tịnh (Khoa Ngữ văn – Truyền thông) đã trình bày các báo cáo chuyên đề mang tính học thuật cao, mở ra sự trao đổi sôi nổi từ các học giả.  
f5
TS. Trần Thị Yến Minh mở đầu với báo cáo “AI in the Vietnamese news-rooms: Status, Prospects and Challenges”.
f7
TS. Lê Thị Thanh Tịnh trình bày báo cáo:
“Vietnam’s Policy responses to emerging technologies and AI: Education, Cutural Security, and Social Equity in focus”.

Phần thảo luận diễn ra trong không khí cởi mở và sôi nổi, với nhiều ý kiến, chia sẻ và đề xuất hợp tác từ các nhà khoa học hai nước. Nhiều hướng nghiên cứu chung đã được gợi mở, từ các vấn đề lý luận đến ứng dụng thực tiễn của công nghệ AI trong giáo dục, truyền thông và quốc phòng.
 
Dai bieu trao doi
Các dai bieu thao luan
Các học giả chia sẻ ý kiến tại buổi trao đổi chuyên môn.
Trao doi sau buoi lam viec
Giảng viên UED trao đổi cùng các thành viên đoàn học giả sau buổi làm việc. 

 
Bích Thuỷ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây