Sau khi ký kết dự án, cả 2 bên sẽ cùng nhau xây dựng bộ giáo trình Phục hồi chức năng tâm lý. Đại học Aichi Gakuin sẽ đảm nhiệm công việc tập huấn cho các cán bộ/giáo viên chuyên biệt sử dụng Giáo trình, đồng thời sẽ tổ chức các buổi giới thiệu về Phục hồi chức năng tâm lý và sử dụng Giáo trình cho trẻ khuyết tật và phụ huynh. Theo đó, sẽ có 8 cán bộ được chọn đi tập huấn tại Nhật Bản.
Với dự án này, các em khuyết tật sẽ được hỗ trợ, can thiệp và trị liệu tâm lý. Phương pháp Dohsa - hou không chỉ giúp các em khuyết tật phục hồi chức năng mà còn giúp các em phát triển các chức năng thiếu hoặc còn tiềm ẩn. Vì trẻ tự kỷ, khuyết tật vừa đến nặng không được giáo dục đúng cách bởi các phương pháp giáo dục đặc biệt hiện nay, nên với dự án này chúng tôi hy vọng sẽ cải thiện được việc giáo dục đồng thời nâng cao nhận thức, sự quan tâm của giáo viên và người giám hộ trong và xung quanh khu vực Đà Nẵng để giúp các em phát triển tốt hơn, TS. Nguyễn Thị Trâm Anh – Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục chia sẻ.
Phía Trường Đại học Sư phạm sẽ phối hợp cùng Đại học Aichi Gakuin lựa chọn cán bộ/giáo viên đi tập huấn. Đồng thời, giáo viên/cán bộ của Trường Đại học Sư phạm sẽ là lực lượng nòng cốt thường xuyên tổ chức các Hội thảo cơ bản về Phục hồi chức năng tâm lý cho trẻ khuyết tật, phụ huynh và giáo viên sống tại Đà Nẵng.
TS.Nguyễn Thị Trâm Anh – Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục cho biết: “Khi ký kết dự án, Trường Đại học Sư phạm sẽ có được bộ tài liệu hướng dẫn về phương pháo Dohsa-hou. Đồng thời, dự án này sẽ cung cấp cho chúng ta nguồn dữ liệu cho việc đào tạo ngành Tâm lý học và Công tác xã hội. Và xa hơn là mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho trẻ em khuyết tật tại Đà Nẵng”.
Dự kiến, dự án sẽ chính thức hoạt động từ tháng 5/2018 đến tháng 4/2020 với tổng chi phí là 9,995,000 JPY.
Tác giả bài viết: Mai Quang – Thanh Thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn