Đề tài được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Bùi Trọng Ngoãn, Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN. Đây là luận án tiến sĩ thứ ba ngành Ngôn ngữ học được đánh giá tại Trường theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/04/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hội đồng đánh giá luận án gồm 07 thành viên, đến từ đến từ các cơ sở đào tạo đại học trong nước: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Huế; Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHĐN; Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN và các nhà nghiên cứu độc lập ngành Ngôn ngữ học.
Dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Trịnh Quỳnh Đông Nghi, từ đó ghi nhận và đánh giá cao năng lực nghiên cứu cũng như những kết quả đạt được của NCS trong thời gian qua.
Từ góc độ tiếp cận của lý thuyết ngữ pháp chức năng, trường phái ngữ pháp chức năng diễn ngôn được xây dựng bởi Dik và các cộng sự, luận án của NCS Trịnh Quỳnh Đông Nghi nghiên cứu về câu đặc biệt tiếng Việt. Kết quả nghiên cứu của đề tài giúp tác giả xác lập được cương vị của câu đặc biệt trong cú pháp tiếng Việt, từ đó đề xuất được khái niệm câu đặc biệt và áp dụng bộ khung lý thuyết ngữ pháp chức năng diễn ngôn để miêu tả ba bình diện kết học, nghĩa học và dụng học của câu đặc biệt tiếng Việt. Với tư cách là một câu, câu đặc biệt thể hiện trọn vẹn ba bình diện nghiên cứu là kết học, nghĩa học và dụng học.
Từ những nội dung đã biện luận trong luận án, theo quan điểm ngữ pháp chức năng, tác giả luận án đã khẳng định hình thái tồn tại của câu đặc biệt là sự lựa chọn cần thiết, có chủ định trong rất nhiều phương án giao tiếp mang tính khả dụng của hệ thống ngôn ngữ. Nói theo cách khác, câu đặc biệt ắt hẳn phải có những điểm khác so với các phân loại khác cùng cấp độ, nhưng không phải là một loại câu bất thường, vì thế không nên (hoặc không cần) phải tách biệt loại câu này thành một nhóm riêng, đồng thời tránh những nhận định mang tính khắt khe đối với sự tồn tại của câu đặc biệt trong cú pháp.
Sau khi NCS trình bày báo cáo tóm tắt về đề tài “Nghiên cứu câu đặc biệt tiếng Việt theo quan điểm ngữ pháp chức năng”, Hội đồng đã đưa ra nhiều đánh giá và ý kiến đóng góp hiệu quả mang tính khoa học cao, về cả hình thức trình bày lẫn nội dung nghiên cứu của đề tài. Luận án được đánh giá có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu cú pháp tiếng Việt cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn.
Kết thúc buổi bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp trường, NCS Trịnh Quỳnh Đông Nghi gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến Hội đồng đánh giá về những ý kiến khoa học vô cùng hữu ích, ghi nhận và tiếp thu ý kiến từ Hội đồng để hoàn thiện đề tài một cách chỉn chu hơn trước khi nộp lưu chiểu ở Thư viện Quốc gia và Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN.
Một số hình ảnh tại Lễ bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp trường của NCS Trịnh Quỳnh Đông Nghi:
THẾ HƯNG - VIẾT NHUNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn