ĐHSPĐN

https://ued.udn.vn


Hội nghị Giảng dạy Vật lí toàn quốc lần thứ IV – năm 2018

Nhằm thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và để chuẩn bị tốt công tác xây dựng chương trình phổ thông tổng thể, cũng như chương trình môn Vật lí ở các trường phổ thông nước ta sau 2018, sáng 10/11, Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN phối hợp với Hội Giảng dạy Vật lí (Hội Vật lí Việt Nam) tổ chức Hội nghị giảng dạy Vật lí toàn quốc lần thứ IV - năm 2018 với chủ đề “Dạy và học Vật lí đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”.

Tham dự hội nghị, có: ông Võ Thái Dương – Chuyên viên phụ trách mảng ngành Vật lí Sở GD & ĐT Đà Nẵng; ông Bùi Ngọc Nhân – Sở GD & ĐT Quảng Bình; PGS. TSKH Nguyễn Thế Khôi - Chủ tịch Hội giảng dạy Vật lí Việt Nam; PGS.TS Lưu Trang – Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng BTC; PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng Khoa Vật lí. Hội nghị cũng thu hút sự quan tâm của hơn 100 nhà quản lý, nhà khoa học và thầy cô giáo giảng dạy ở các trường THPT, THCS trên địa bàn và trong cả nước.

Anh 2

PGS. TSKH Nguyễn Thế Khôi - Chủ tịch Hội giảng dạy Vật lí Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Lưu Trang cho biết: “Trường ĐHSP-ĐHĐN rất vinh dự được chủ trì Hội nghị giảng dạy Vật lí toàn quốc lần thứ IV – năm 2018. Giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng đang thay đổi căn bản và toàn diện với mục tiêu trang bị kiến thức, trang bị những phẩm chất cần thiết nhằm giúp người Việt Nam đủ tâm thế hòa mình vào thời đại 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Thực tiễn trên đặt ra cho các trường sư phạm và giáo viên phổ thông những thách thức lớn và áp lực không hề nhỏ. Đối với các trường sư phạm là làm thế nào để đào tạo được đội ngũ giáo viên các cấp, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đủ năng lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với các trường phổ thông cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn, như làm thế nào để nhận thức đúng đắn, thiết kế được những “kịch bản” giảng dạy và các hoạt động giáo dục trong trường phổ thông, để hình thành phẩm chất, năng lực học sinh, đồng thời đo lường được chất lượng của hoạt động dạy học. Để thực hiện thành công mục tiêu giáo dục trên, ngoài sự nỗ lực của Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới thì cần có sự đồng hành, chủ động của các trường sư phạm trong việc xây dựng chương trình, cũng như các hoạt động mang tính lan tỏa về chương giáo dục phổ thông mới đến giáo viên phổ thông. Trường ĐHSP-ĐHĐN đánh giá cao sự nỗ lực, chung tay của Khoa Vật lí Nhà trường và Hội Giảng dạy Vật lí quốc gia trong việc chuẩn bị và tổ chức hội nghị này. Hội nghị năm nay có sự tham gia của các nhà giáo, nhà nghiên cứu cả nước với các bài báo có nội dung đa dạng, thiết thực, tập trung vào 3 vấn đề lớn: Chương trình giáo dục môn Vật lí trong chương trình phổ thông mới và Chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Vật lí đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông; Dạy học Vật lí phổ thông, định hướng phát triển năng lực; Dạy học STEM và các thiết bị dạy học Vật lí. Trên cơ sở các báo cáo tại hội nghị, ban tổ chức mong muốn các đại biểu tham dự hội nghị trao đổi chuyên sâu, tương tác, phản biện lẫn nhau để tìm kiếm thêm những nội dung, cách thức, biện pháp thực hiện nội dung cốt lõi trong chương trình giáo dục phổ thông mới…”.

Anh 3 (2)

Hội nghị thu hút sự quan tâm của hơn 100 nhà quản lý, nhà khoa học và thầy cô giáo giảng dạy các trường THPT, THCS trên địa bàn và trong cả nước

Đến tham dự hội nghị, PGS. TSKH Nguyễn Thế Khôi - Chủ tịch Hội giảng dạy Vật lí Việt Nam chia sẻ: “Những báo cáo khoa học giới thiệu, chia sẻ tại Hội nghị lần này có nội dung phong phú; nhiều vấn đề trao đổi, bàn thảo đang được chúng ta rất quan tâm; có nhiều báo cáo chia sẻ những kinh nghiệm hay trong thực tiễn dạy học; những đề xuất có giá trị khoa học và thực tiễn về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên… Đây thực sự là những nội dung có ý nghĩa quan trọng, tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới dạy và học Vật lý nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông…”.
Chương trình Hội nghị Giảng dạy Vật lí toàn quốc lần thứ IV – năm 2018 diễn ra trong 2 ngày (10-11/11/2018) với 3 tiểu ban: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Vật lí và chương trình giáo dục phổ thông mới; Dạy học STEM và thiết bị dạy học Vật lí; Dạy học Vật lí phổ thông định hướng phát triển năng lực.
Sau lễ khai mạc, hội nghị đã triển khai phiên toàn thể với các đề tài: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giảng dạy môn Vật lí, phát triển năng lực học sinh – TS. Tường Duy Hải – Khoa Vật lí (Trường ĐHSP Hà Nội); Tổ chức dạy học định hướng giáo dục STEM ở trường trung học – TS. Nguyễn Thanh Nga (Trường ĐHSP TP.HCM); Phát triển chương trình đào tạo sư phạm Vật lí theo tiếp cận bộ tiêu chuẩn kiểm định AUN–QA 3.0 – Khoa Vật lí (Trường ĐHSP– ĐHĐN); Giới thiệu về hội nghị quốc tế trong dạy học Vật lí Việt Nam – PGS.TS Nguyễn Văn Biên (Trường ĐHSP Hà Nội).
Thông qua hội nghị này, BTC mong muốn tạo cơ hội gặp gỡ trao đổi giữa những người làm công tác giảng dạy về Vật lí và các môn khoa học tự nhiên ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu thuộc các bậc đào tạo trong cả nước; trình bày những kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn những kinh nghiệm trong dạy học và đào tạo giáo viên Vật lí; quản lý, giáo dục xây dựng chương trình biên soạn sách giáo khoa về Vật lí và khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới; đồng thời định hướng dạy học và đào tạo bồi dưỡng giáo viên môn Vật lí, môn khoa học tự nhiên nhằm phát triển năng lực của người học, đáp ứng mục tiêu của chương trình phổ thông mới.

Thanh Thảo – Vũ Hoàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây