ĐHSPĐN

https://ued.udn.vn


Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Khắc phục điểm yếu công tác coi thi và chấm thi

GD&TĐ - “Với quy định tiếp tục ổn định kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cả về hình thức lẫn nội dung, Bộ GD&ĐT đã giúp học sinh, phụ huynh, các trường chủ động và ổn định công tác dạy học, tư vấn cho việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng”, PGS.TS Võ Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nhìn nhận.
Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Khắc phục điểm yếu công tác coi thi và chấm thi
Sự điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã khắc phục yếu điểm của công tác coi thi và chấm thi


Theo PGS.TS Võ Văn Minh, về nội dung, hình thức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh, khắc phục điểm yếu của công tác coi thi và chấm thi của các năm trước, trong đó có việc không để các trường đại học, cao đẳng địa phương tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương.

PGS Vo Van Minh

PGS.TS. Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Bản thân lãnh đạo và giảng viên các trường đại học, cao đẳng địa phương trung thực, khách quan và trách nhiệm trong kỳ thi THPT quốc gia cũng chưa đủ. Trước hết, phải nói là cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu địa phương phải nhận thức đúng tính chất kỳ thi.“Không phải chúng ta không tin các trường đại học, cao đẳng địa phương, mà bản thân lãnh đạo và giảng viên các trường địa phương cũng chịu nhiều áp lực và bị chi phối bởi lãnh đạo cấp trên (nếu như lãnh đạo địa phương đó nhận thức không đúng tính chất kỳ thi).

Toàn xã hội trong đó đặc biệt là thầy cô, phụ huynh cũng phải nhận thức kỳ thi này là một hoạt động giáo dục, chứ không phải cuộc chạy đua điểm để xét tốt nghiệp hay xét tuyển đại học, cao đẳng”, PGS.TS Võ Văn Minh nhìn nhận.

PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, khi chưa dám chắc nhận thức của xã hội, của địa phương đã thay đổi ngay được, thì không giao nhiệm vụ cho các trường đại học, cao đẳng địa phương phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại địa phương là hợp lý. Tuy nhiên, việc huy động các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ GD&ĐT hoặc ngoài tỉnh tham gia coi thi cũng cần cân nhắc, tính toán cẩn thận để thuận lợi cho các bên liên quan và tránh bị động như những năm trước.

Về công tác chấm thi, với quy định tổ chức và giám sát (đã được áp dụng ở kỳ thi tuyển sinh đại học trước đến nay) thì rất chặt chẽ, chỉ có việc thực hiện không đúng nên mới để xảy ra sự cố. Do vậy, cần tăng cường việc giám sát khách quan như bố trí thanh tra và tăng cường áp dụng công nghệ thì có thể đảm bảo an toàn được. Quan trọng vẫn là công tác bố trí con người để thực hiện và giám sát…

 
“Việc phát hiện tiêu cực tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và đã mổ xẻ các nguyên nhân để điều chỉnh, hoàn thiện quy định tổ chức coi thi và chấm thi như năm 2019 là hợp lý. Vấn đề mấu chốt mà Bộ GD&ĐT cần quan tâm hơn trong tổ chức điều hành kỳ thi trong các năm tới là chú ý đến chính sách hỗ trợ hợp lý nhất cho các đơn vị và cá nhân tham gia kỳ thi THPT quốc gia và chế tài thực sự nghiêm minh mọi hành vi tiêu cực trong giáo dục và thi cử”, PGS.TS Võ Văn Minh đề xuất.

Đại Khải

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây